Nhà xe bỏ chuyến sau điều chuyển: Sẽ cắt lốt nếu bỏ quá 70% số lốt

VOVGT - Đáng chú ý hiện vẫn còn không ít trường hợp doanh nghiệp không chạy đủ số chuyến như đã đăng ký, thậm chí không về bến mới theo kế hoạch điều chuyển.

Sau khi thực hiện việc điều chuyển luồng tuyến đối với các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định vào ngày 2/1 vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đã chấp hành việc điều chuyển về bến mới. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp doanh nghiệp không chạy đủ số chuyến như đã đăng ký, thậm chí không về bến mới theo kế hoạch điều chuyển. Điều này khiến dư luận lo ngại việc không đảm bảo nhu cầu vận tải hành khách trong dịp cao điểm Tết nguyên đán sắp tới, thậm chí các doanh nghiệp tìm mọi cách chạy dù tại khu vực trước cổng bến xe Mỹ Đình.

Nói về việc thực hiện kế hoạch điều chuyển luồng tuyến của Thành phố, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, đến ngày 9/1, toàn Bến xe Mỹ Đình đã chuyển đi 494 lượt, trong đó chủ yếu được điều chuyển về bến xe Nước Ngầm. Theo ông Trúc, từ ngày 2/1 đến nay, bến Mỹ Đình luôn cắt cử bảo vệ phối hợp với lực lượng CSGT, CSTT “chốt” ở cổng bến, kiên quyết không cho những xe trong diện bị điều chuyển đi bến khác vào Mỹ Đình hoạt động.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm thông tin, đến nay, lượng xe điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm mới chỉ đạt khoảng 280-310 lượt/ngày. Con số này cho thấy, một số nhà xe vẫn chưa chấp hành điều chuyển, chưa đăng ký hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm. Đến 17h ngày 8/1, chỉ có 280 lượt xe hoạt động. Cũng theo ông Lập, hiện nay có tình trạng có một số doanh nghiệp đã về bến, nhưng không chạy đủ lốt xe như đã đăng ký. Thậm chí khoảng 9 doanh nghiệp chưa cho xe về bến.

"Tôi nghĩ, nếu các doanh nghiệp không khẩn trương đưa xe về hoạt động thì tôi nghĩ rằng đây cũng  là yếu tố sẽ gặp khó khăn trong công tác vận chuyển khách trong dịp Tết ở bến xe", ông Lập nói.

Không chỉ bỏ chuyến tại bến xe Nước Ngầm, hiện có tình trạng một số nhà xe thuộc diện điều chuyển đang cố tình chạy sai hành trình, hoạt động trên đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng, đặc biệt là khu vực trước cổng bến xe Mỹ Đình.

Về điều này, Thiếu tá Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội CSGT số 6, Công an Tp.Hà Nội cho biết, sau một thời gian tuyên truyền, Đội CSGT số 6 đã tập trung xử lý các trường hợp không về các bến mới, mà vẫn cố tình hoạt động tại khu vực trước cổng bến xe Mỹ Đình. Theo ông Thành, từ đầu tháng 1/2017 đến nay, Đội CSGT số 6 đã xử lý 18 trường hợp xe chở khách đi sai tuyến, chủ yếu tập trung vào các tuyến đi Thái Bình, Nam Định.

Lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết, Đội đang tập hợp những vi phạm của các phương tiện này để thông báo đến Sở GTVT Hà Nội để xem xét, có thể đình chỉ lốt đối với các phương tiện này: "Thường thường, những xe này là chạy sai tuyến. Những xe được điều chuyển không quay về bến mà có khả năng vẫn đi trên đường thì sẽ phối hợp với các bến và phối hợp với Sở GTVT để đình chỉ lốt".

Trước thực trạng một số doanh nghiệp không chấp hành kế hoạch điều chuyển luồng tuyến của Thành phố, bỏ lốt, thậm chí cố tình hoạt động chạy dù, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm.

Trao đổi với phóng viên Kênh VOVGTQG, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Chúng tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao về sự hợp tác cũng như của doanh nghiệp trong việc điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến đợt này. Và có thể nói đợt này, chúng ta đã tổ chức thành công một việc không phải là dễ dàng và không phải không ảnh hưởng ít nhiều đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay có một số doanh nghiệp chưa đến đăng ký tại các bến mới. Tôi cho rằng đây là quyền của công dân hoặc quyền của doanh nghiệp, họ từ chối quyền kinh doanh của mình theo điều kiện và phương pháp tổ chức kinh doanh của họ.

Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng số này sẽ phát sinh việc xe dù bến cóc thì chúng tôi khẳng định, chúng tôi cũng đã triển khai ngay các phương án để xử lý nghiêm các xe dù bến cóc. Đặc biệt, đối với những xe mà không thực hiện đúng luồng tuyến, dừng đỗ đón trả khách xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình thì Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo CSGT, Thanh tra giao thông thường xuyên rà soát, xử lý rất nghiêm các trường hợp này".

Về biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp không thực hiện việc điều chuyển hoặc không vào bến xe Nước Ngầm, ông Viện cho rằng: "Trước hết, đó là họ tự từ chối quyền lợi của họ và theo quy định, nếu họ từ chối 70% số lốt được bố trí trên tuyến thì các Sở GTVT cấp phù hiệu cho họ có thể thu hồi những phù hiệu để thực hiện lốt xe đó theo quy đinh tại Nghị định 86 cũng như Thông tư 63 của Bộ GTVT".

Trong những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của hành khách sẽ tăng cao, do vậy, việc một số nhà xe cố tình bỏ lốt, thậm chí chạy dù sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu đi lại của nhân dân. Những hành vi này cần được xử lý nghiêm và với khẳng định của Sở GTVT Hà Nội, biện pháp cắt lốt là cần thiết để răn đe các trường hợp vi phạm.