Nguy cơ bất ổn an ninh xã hội

Những ngày vừa qua, Kênh VOV Giao thông liên tục nhận được nhiều ý kiến phản ánh của thính giả là nạn nhân của kiểu đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu khủng bố.

Mọi người đều bày tỏ sự bức xúc, bất bình: Vì sao một hiện tượng gây nhức nhối và đe dọa đến cuộc sống yên bình của từng cá nhân vẫn ngang nhiên tồn tại, diễn ra một thời gian dài. Trong khi bản thân họ không hề vay mượn hay nhận nợ của ai. Thân nhân hoặc nhân viên  cũng không có khoản nợ nào.

Vậy nhưng, bất chấp các trả lời công khai và chứng nh rõ ràng, các đối tượng vẫn “dội bom” tin nhắn, trên mạng xã hội; gọi điện thoại xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thậm chí đe dọa tính mạng họ và gia đình.

Nhiều người đã phải gửi đơn khẩn cấp kêu cứu đến ngành chức năng như công an, thông tin và truyền thông; phải đổi cả số điện thoại; hủy toàn bộ các giao dịch, giao lưu trên mạng xã hội để tránh bị lợi dụng vu khống, bêu xấu.

Có người do không chịu được sức ép nên rơi vào trầm cảm, khủng hoảng; cảm thấy bế tắc vì hành vi vi phạm trắng trợn này.

Liên quan đến việc có cho tồn tại loại hình dịch vụ đòi nợ hay không?Mặc dù đã đưa ra nhiều lần bàn thảo nhưng đến thời điểm này pháp luật Việt Nam đều không cho phép hình thức đòi nợ thuê. Việc đòi nợ theo kiểu khủng bố, đòi nợ vu khống lại càng vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm.

Vấn đề ở đây là việc không xử lý nghiêm các hành vi này đã tạo cơ sở cho thói côn đồ này lộng hành bất chấp đạo lý, luật pháp.

Cũng phải nói rõ, đây chỉ là những công ty, đối tượng đòi nợ thuê; tức là phải được người cho nợ hoặc tổ chức cho vay thuê mướn đứng đằng sau thúc đẩy. Các đối tượng vì được chi trả phí thù lao hoặc ăn chia từ món nợ nên mới liều lĩnh thực hiện đến cùng các hành vi này đến cùng.

Hàng loạt số điện thoại gọi “khủng bố”

Tình trạng đòi nợ bằng gọi điện thoại, tin nhắn diễn ra còn có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của các nhà mạng khi để cho tình trạng sim rác, sim không chính chủ ngang nhiên được sử dụng mà không chịu bất cứ sự kiểm tra, giám sát và chế tài nào.

Một đối tượng có thể sử dụng nhiều số điện thoại và tài khoản khác nhau để khủng bố tinh thần người bị hại.

Đã đến lúc ngành chức năng phải điều tra, truy xét và đưa các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê này ra ánh sáng. Xử lý hình sự một số trường hợp để nâng cao tính hiệu lực và sự nghiêm nh của pháp luật đối với các trường hợp cố tình tấn công tổ chức và cá nhân.

Bên cạnh đó, nạn tín dụng đen, nạn cho vay nặng lãi với mức lãi “cắt cổ” đang thực sự lộng hành, gây rất nhiều hệ lụy bất ổn cho từng cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Hành vi này cần tiếp tục bị lên án và loại bỏ ở từng địa bàn, nơi làm việc. Người bị hại, bị đòi nợ theo kiểu khủng bố sẵn sàng tập hợp dữ liệu, chứng cứ để tố cáo đến cơ quan chức năng.

Người thân, hàng xóm láng giềng, bạn bè và kể cả dư luận xã hội cũng thể hiện sự bình tĩnh, sáng suốt nhận diện rõ chân tướng của sự việc; không vội vàng quy kết khi chưa hỏi rõ người bị đòi nợ. Cùng lên tiếng để đấu tranh với hành vi đòi nợ thuê; cũng như nạn cho vay nặng lãi.

Phía cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện các chế tài áp dụng các mức hình phạt thích đáng cho các hành vi này; có các công cụ, công nghệ để tâp hợp trấn áp các đối tượng này. Không để đòi nợ theo kiểu” khủng bố” lan rộng, có nguy cơ gây bất ổn an ninh xã hội.