Người phụ nữ rời nhà lúc nửa đêm, vượt hơn 300 km để hiến máu cứu người

Chị Thảo hiện đang là thành viên của Câu lạc bộ nhóm máu hiếm tỉnh Bình Định và đây là lần thứ 5 chị tham gia hiến máu cứu người.

Phải vội vã gửi con nhỏ cho mẹ chồng lúc nửa đêm, rồi rời nhà và vượt hơn 300 cây số để hiến máu cứu người, là những gì mà chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở Bình Định đã phải khẩn trương thực hiện cách đây không lâu, để có thể kịp thời cứu giúp cho một bệnh nhân có nhóm máu hiếm, đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk.

Được biết, chị Thảo hiện đang là thành viên của Câu lạc bộ nhóm máu hiếm tỉnh Bình Định, và đây là lần thứ 5 chị tham gia hiến máu cứu người.

Kể về lần hiến máu gần đây nhất của mình, chị Thảo cho biết. Trước đó,  khi nhìn thấy bài viết của một người đàn ông ở Đắk Lắk đăng tải trên mạng xã hội, với nội dung khẩn cầu xin mọi người hiến máu cứu cha, do cha mình có nhóm máu hiếm B Rh-, cần truyền máu để làm phẫu thuật.

Chị Thảo đã chủ động liên hệ với người này để nắm bắt tình hình của bệnh nhân, và cho biết sẽ sẵn lòng hiến máu cho ca phẫu thuật. Rồi cũng từ hôm đó chị đã cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị thật tốt tâm lý cho ngày đi hiến máu.

Sau đó ít ngày, chị nhận được điện thoại của anh con trai. Anh nói với chị rằng sáng ngày mai, cha mình phải phẫu thuật nên đang rất cần người hiến máu. Nhưng lại có phần e ngại khi hỏi chị Thảo, liệu chị có thể đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk, cách nơi chị ở hơn 300 km để hiến máu hay không. Không chút đắn đo, chị Thảo bảo sẽ sắp xếp công việc và đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Chị Thảo hiện đang là thành viên của Câu lạc bộ nhóm máu hiếm tỉnh Bình Định

Lúc ấy, do tình hình quá cấp bách nên chị Thảo thậm chí còn không kịp hỏi ý kiến của chồng. Chị còn tự nhủ không nên báo cho chồng biết, vì sợ anh lo cho vợ rồi không cho đi xa. Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi,  chị mới gọi và nhờ chồng về trông con phụ với mẹ chồng. Và trước sự bất ngờ của anh, chị có nói thế này:  “Anh ơi, bây giờ người bệnh đang cần em đến gấp, em đặt xe hết rồi. Nếu anh có la thì em cũng phải đi. Vì vậy, anh tranh thủ làm việc nhanh rồi về với con anh nhé!”.

Và dù chồng có bày tỏ sự lo lắng khi thấy chị phải đi xa một mình trong đêm khuya, nhưng với chị, cứu người mới là điều quan trọng nhất.

Sắp xếp việc nhà ổn thỏa, chị Thảo cho hai con ngủ, rồi nhờ mẹ chồng trông con. 12h đêm, chị lên xe khách, vượt hơn 300 km từ Bình Định đến Đắk Lắk hiến máu. Vốn dĩ, chị là người hay bị say xe, nhưng may mắn là đêm hôm đó, chị lại không bị say xe, tinh thần luôn thoải mái.

Bởi người hiến máu cần giữ huyết áp, sức khỏe ổn định. Nên chị đã luôn cố gắng giữ bình tĩnh, chứ không sợ lại mất công đi xa mà không giúp được bệnh nhân.

6h30 ngày hôm sau, chị Thảo đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và được người nhà bệnh nhân đón đến chỗ hiến máu. Ngay sau đó, chị Thảo đã hiến 250ml máu nhóm B Rh- để phục vụ cho việc phẫu thuật của bệnh nhân.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo

Tâm sự về những lần hiến máu cấp cứu cho người bệnh cùng nhóm máu hiếm như mình, chị Thảo cho biết:

"Mình có khoảng năm lần hiến máu. Bốn lần trường hợp gấp, còn một lần trường hợp dự phòng. Một lần trường hợp gấp đầu tiên là dành cho một cô mổ não, 61 tuổi.  Một trường hợp là tai nạn, một trường hợp là đang sinh, cần máu gấp để phẫu thuật. Còn một trường hợp nữa là lấy máu dự phòng cho một sản phụ.

Còn trường hợp này lần đầu tiên em đi xa nhà là trường hợp thứ năm. Hình như là bốn trường hợp đi trong đêm hết ấy, còn một trường hợp thì sớm hơn. Có cái trường hợp cô đầu tiên là mình có bồng bé theo, lúc ấy bé 15 tháng, chồng thì đi làm xa.

Chỉ có bà nội ở nhà thì gửi bà nội anh lớn là 30 tháng cho bà, còn ẵm đứa nhỏ 15 tháng đi theo. Lên tới bệnh viện ở Quy Nhơn là mình gửi con cho nhà người quen, rồi đi qua cho máu. Khi cho xong hai mẹ con về tới nhà là gần một giờ sáng. Thì các ca đều luôn gấp như vậy đấy".

Luôn đặt mình vào hoàn cảnh của bệnh nhân, nên chị Thảo chưa bao giờ đắn đo khi nhận được đề nghị hiến máu. Và cũng bởi chính bản thân chị, từng rơi vào hoàn cảnh cần máu, nhưng lại không nhận được sự giúp đỡ, nên chị càng thấu hiểu hơn cảm giác của những bệnh nhân có máu hiếm.

Đó là vào thời điểm chị sinh bé đầu tiên, lúc ấy chị cũng mới biết mình có nhóm máu hiếm. Bác sĩ có khuyên chị nên đi xin máu trước để dự phòng khi sinh.

Nhưng chị cũng đã phải mất khá nhiều thời gian để có thể tìm được người cho máu, sau nhiều lần thất vọng, hụt hẫng vì bị khước từ giúp đỡ.

Và cũng từ đây, chị đã luôn tự dặn bản thân phải luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe, đi lại cẩn thận, vì không chỉ là giữ gìn cho mình mà còn để giúp mọi người khi cần: 

"Nói chung mình muốn lan tỏa đến mọi người một điều là luôn cho đi. Bởi vì mình hãy đặt mình vào cái trường hợp như vậy. Nếu như mình bị thiếu máu, là người bình thường hay bệnh nhân máu hiếm mà xin người ta không cho, thì lúc đó tính mạng mình có được cứu hay là không. Nên là mình luôn đặt trường hợp của mình bên trong người ta, để mình cảm nhận và mình cho đi. Và mỗi lần mình cho đi như vậy, mình lại dinh dưỡng cho bản thân thì nó cũng không ảnh hưởng sức khỏe hay bị thiếu máu trầm trọng như mọi người nghĩ.

Sau năm lần hiến máu thì cơ thể mình vẫn khỏe, vẫn tốt, vẫn ăn ngon ngủ ngon, vẫn đủ năng lực để làm việc, không bị ảnh hưởng gì hết. Nên mình muốn lan tỏa một điều đến mọi người là, hãy cho đi khi có thể. Để đến một ngày nếu mình cần, mọi người cũng sẽ chụng tay cho lại mình".

---

Các bạn thân mến.

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong những chương trình tiếp theo.