Người phụ nữ 20 năm phát hàng nghìn suất cơm tình nghĩa

Cứ mỗi buổi chiều thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, nếu bạn đi qua con phố Lê Duẩn, đoạn qua công viên Thống Nhất, chắc hẳn bạn sẽ nhìn thấy những hàng dài người đang xếp hàng chờ được phát cơm miễn phí.

Người già có, người trẻ có, những người bệnh đang nằm viện, người nhặt ve chai, người bán vé số,… những người cùng cực nhất xã hội này…

20 năm nay, những suất cơm từ nhóm Thiện nguyện Tuyết Phong của chị Cao Thị Ánh Tuyết vẫn luôn được lan toả tới mọi người như vậy. Làm công việc thiện nguyện nhiều năm, chị Tuyết chỉ mong có thể duy trì được nồi cơm này càng lâu càng tốt….

Chị Cao Thị Ánh Tuyết sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, thuở nhỏ, cuộc sống của gia đình chị cũng vô cùng khó khăn. Một mình mẹ không thể lo nổi bữa ăn cho 5 chị em, gia đình chị Tuyết được một bà hàng xóm giang tay giúp đỡ để vượt qua.

Hình ảnh ấy đã thôi thúc chị Tuyết làm việc thiện để giúp đỡ các hoàn cảnh nghèo: “Khi tôi sinh ra trong một hoàn cảnh tương đối vất vả, tôi được gia đình hàng xóm cưu mang, bà dạy cho chúng tôi những điều hay, lẽ phải, vì ngày xưa rất là nghèo đói, bà phải nhường những bát cơm của bà cho anh em chúng tôi. Chính vì thế, ước nguyện từ nhỏ của tôi là khi nào mình kiếm được tiền thì việc đầu tiên mình làm là đi cứu người”

Nơi đầu tiên chị Tuyết nghĩ đến là những trung tâm chăm sóc cho người kém may mắn và nơi có các bệnh nhân đó là Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Ban đầu làm từ thiện, chị Tuyết sử dụng toàn bộ tiền của gia đình mà không kêu gọi, sau đó công việc lan tỏa được nhiều thiện nguyện viên tham gia cộng tác, nhóm của chị hiện nay mang tên "Thiện nguyện Tuyết Phong".

Những suất cháo, suất cơm ấm tình người qua câu lạc bộ của chị đã trao đến cho rất nhiều người bệnh ở các bệnh viện tại Thái Bình. Khi chuyển lên Hà Nội sinh sống, chị lại tiếp tục công việc này và hiện nay, nhóm cũng đã lan toả hoạt động này đến các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn…

Những suất cơm ấm tình người

Đặc biệt, trước cửa gia đình chị Tuyết trên đường Lê Duẩn, mỗi tuần đều tổ chức 2 buổi phát cơm, phát cháo ễn phí. Những người được nhận không phân biệt già trẻ, họ là những người vô gia cư, những người có hoàn cảnh đang cần đến lương thực.

“Trong cái này nó là cái thiện, ai có của thì góp của, ai có công thì góp công, không thuộc về ai cả. Có khi là ông chủ bà chủ, nhưng đến đây vẫn rửa bát, rửa xoong, rửa nồi bình thường. Nồi cơm thì rất ngon và sạch sẽ, tôi sẽ phải đi lựa từng mớ rau, ếng thịt, con cá đều phải tươi, ngon để nấu cơm cho người ta. Thứ nhất là đảm bảo chất lượng, thứ 2 là vệ sinh sạch sẽ để người ta ăn không có bệnh”

Cứ thế, nồi cơm Thiện nguyện Tuyết Phong ngày càng lớn dần. Thời gian đầu, chị Tuyết chỉ dừng lại ở 50 - 70 suất cơm. Sau đó, những người lao động nghèo rủ nhau đến ngày càng đông. Có những ngày phát hết cơm mà người đến xếp hàng vẫn còn. Nhìn những gương mặt ủ rũ khiến chị Tuyết không cầm được lòng, có hôm chị lấy cả nồi cơm tối của gia đình để phát tiếp.

Đến nay, số lượng suất cơm được phát đã lên đến 230 suất. Nhẩm tính suốt 20 năm qua, chị đã phát đến hàng nghìn suất cơm ễn phí cho người vô gia cư và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Dù buổi phát cơm được bắt đầu từ 17h, thế nhưng, chỉ từ 15h30, đã có nhiều người đến xếp hàng, giữ chỗ để được nhận cơm. Bà Nguyễn Thị Hảo (72 tuổi, Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội), người phụ nữ đã sống đơn độc hơn 20 năm nay cho biết, những suất cơm ễn phí là thứ giúp bà duy trì cuộc sống trong những năm gần đây:

“Ở đây thì cơm Tuyết Phong phục vụ rất là tốt, mà rất nhiệt tình, rất sạch sẽ. Toàn những người khó khăn cả, toàn những người không có lương hưu, khó khăn, năm nay 72, 73 rồi làm gì có ai người ta cho làm thuê nữa. Tuổi này là tuổi kiếm bát cháo cũng khó”

Những người đến nhận những suất cơm từ thiện đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, dù đã tiếp xúc với nhiều người, chị Tuyết vẫn không thể quên hình ảnh người đàn ông nhịn đói bên bãi rác:

“Trong thời điểm trước thì rác người ta vẫn vứt ra đường, người nhặt rác người ta còn bới được cái chai, cái lọ, cái bìa, nhưng đặc biệt 1 tháng trở về đây, chỉ thị của TP, Hà Nội là rác phải vứt đúng nơi quy định, đúng giờ, ai vứt rác ra đường sẽ bị phạt.

Chính vì thế, những người nhặt phế thải sẽ rất là đói. Có hôm, buổi tối tôi đi phát cơm thì thực sự là rơi nước mắt. Khi tôi đi xung quanh buổi tối để phát cơm thì một người đàn ông đã lột ngay chiếc găng tay, ăn cơm một cách ngon lành ngay cạnh bãi rác, một hình ảnh rất là thương tâm”

Suốt bao năm qua, ngôi nhà nhỏ gần công viên Thống Nhất của gia đình chị Tuyết đã trở thành điểm đến của không ít người ở tỉnh xa đến Hà Nội khám bệnh

Suốt bao năm qua, ngôi nhà nhỏ gần công viên Thống Nhất của gia đình chị Tuyết đã trở thành điểm đến của không ít người ở tỉnh xa đến Hà Nội khám bệnh. Với mong muốn không để ai bị bỏ lại phía sau, chị Cao Ánh Tuyết tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình bởi chị cho rằng: “Cái cho đi thì không mất đi. Cho đi, con người sẽ được hạnh phúc, mình tạo được phúc đức và sự may mắn cho chính con người và gia đình mình. Đấy là sự lan tỏa tình yêu thương đối với tất cả mọi người”.

---

Các bạn thân mến.

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.