Nghị quyết mới phải là cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, hiệu quả và đột phá

Việc soạn thảo, góp ý xây dựng 1 Nghị quyết mới thay thế cho Nghị Quyết 54 dành cho TPHCM là yêu cầu hết sức cấp thiết, nhất là trong bối cảnh địa phương này phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức.

Ảnh nh họa

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ khi Nghị quyết số 01 của Bộ Chính trị có hiệu lực, TP.HCM mới có mức tăng trưởng thấp và bị xếp vào nhóm “đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước.

Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan để lý giải cho hiện tượng này, song cũng cần phải khẳng định rằng những công cụ pháp lý hiện hành (theo Nghị quyết 54) đã không còn đủ sức để giải quyết những vấn đề mà TP.HCM đang gặp phải.

Yêu cầu về một Nghị quyết mới, một công cụ pháp lý mới để thay thế cho Nghị quyết 54 là hết sức cần thiết, không chỉ là đòi hỏi từ thực tiễn mà còn là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị của TP.HCM. Và rõ ràng, TP.HCM đã và đang làm tốt nhiệm vụ này với sự chủ động của đơn vị soạn thảo, biên tập lẫn sự tích cực, tâm huyết của nhiều chuyên gia hàng đầu.

Điểm nổi bật của Nghị quyết mới lần này là các cơ chế, quyết sách sẽ không chỉ dừng ở mức thí điểm mà đã được nâng tầm, cụ thể hóa thành những công cụ pháp lý cụ thể, rõ ràng để có thể giải quyết tốt hơn những “điểm nóng” lâu nay của TP.HCM như quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và môi trường; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; công tác quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính quyền đô thị hay phương thức phát triển thành phố Thủ Đức…

Điều đáng nói là Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị mới đây đã tạo điều kiện không thể thuận lợi hơn cho Nghị quyết mới của TP.HCM. Không chỉ rút ngắn được trình tự triển khai mà còn tạo được một không gian đủ lớn để TP.HCM khơi thông và giải phóng được các nguồn lực, qua đó quay trở lại quỹ đạo phát triển, tương xướng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Dĩ nhiên, để Nghị quyết này trở thành hiện thực cũng rất cần có sự chia sẻ, ủng hộ của Quốc hội, của các Đại biểu Quốc hội lẫn sự quan tâm, hỗ trợ sát sao từ phía Chính phủ, các Bộ ngành dành cho “đứa con tinh thần nhiều tâm huyết” của TP.HCM.

Về phần mình, lãnh đạo TP.HCM cần tích cực và chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị các kế hoạch, đề án để sẵn sàng triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, vì sự phát triển chung”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Nghị quyết mới dành cho TP.HCM sẽ được trình Quốc hội. Và nếu được thông qua tại kỳ họp lần này thì đây có thể được xem là bước ngoặt vô cùng quan trọng để TPHCM có thể cởi bỏ được “lớp áo cũ” có phần cồng kềnh để khoác lên mình một bộ trang phục mới mượt mà và đột phá hơn.