Mong nhà máy đường hoạt động để 'giải cứu' cây mía

Hậu Giang từng là vùng đất trồng mía lâu đời và lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng nhiều vụ liên tiếp gần đây, nông dân trong tỉnh lao đao vì không có lời sau cả năm vất vả với cây trồng này.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại, vận chuyển khó khăn, người dân có nguy cơ đối mặt thêm một mùa mía trắng tay khi kế hoạch đầu ra vẫn còn bế tắc.  

Vùng mía huyện Phụng Hiệp

Trước thông tin nhà máy đường tại địa phương đóng cửa, ngưng thu mua, điều này đã tạo sự lo lắng và áp lực không nhỏ cho người dân tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh, nhất là ở huyện Phụng Hiệp, nơi còn khoảng 4.000ha mía nguyên liệu sắp tới ngày thu hoạch.

Chia sẻ với chúng tôi nỗi lo lắng của mình, anh Đào Duy Thông ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, 10 công mía đã quá lứa bán nhưng đầu ra còn mờ mịt.

Anh Thông cho biết: "Trồng ROC16 mục đích để bán mía chục, dịch bệnh giờ mía chục không thấy ai mua, còn nhà máy hiện tại giờ chưa chạy. Giờ chưa có ai đặt cọc hết, điện thì người ta nói hết dịch bệnh người ta mua."

Cũng như anh Thông, mía bị bó hẹp đầu ra, khiến anh Đặng Văn Út ngụ cùng xã rất sốt ruột. Anh Út cho biết, những người trồng mía như anh chỉ biết trông chờ vào hợp đồng từ nhà máy, nhưng đến nay vẫn bặt tăm. Chi phí mỗi công mía lên tới 10 triệu đồng, nếu tình trạng này không có lời giải thì sẽ trắng tay. 

Theo nhiều người trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ của ngành mía đường đối mặt không ít khó khăn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến bà con khi phải bán mía với giá thấp nên không có lợi nhuận cao, thậm chí chỉ huề vốn và có hộ còn thua lỗ.

Chính vì thế, một số hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác, còn số khác sau nhiều năm gắn bó, mến tay, mến chân với với loại cây này nên quyết tâm giữ nghề. 

Hiện, khoảng 4.000ha mía nguyên liệu của bà con nông dân đã gần đến ngày thu hoạch, nhà máy đường xem xét tiếp tục hoạt động để thu mua mía, giúp nông dân vượt qua khó khăn trong khâu tiêu thụ trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông Trương Văn Hiền, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp chia sẻ: Mía bà con trồng hiện nay chưa bán được, nếu quá thời gian thu hoạch thì mía sẽ ngã, không có năng suất.

Theo Lãnh đạo huyện Phụng Hiệp, cái khó là mặt hàng mía không thể kêu gọi mọi người “giải cứu” như các mặt hàng khác. Hiện nhiều liếp mía đã chín nhưng nông dân không biết bán cho ai. Cả nông dân và lãnh đạo địa phương đang trông cậy nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động và mua mía nguyên liệu của nông dân. 

Cây mía là cây trồng cây chủ lực một thời của tỉnh Hậu Giang, nhờ nó mà nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Nhưng qua thời gian, việc thiếu hụt nhân công, giá cả trồi, sụt, hạn hẹp đầu ra đã khiến nhiều người không còn mặn mà với mía. Dẫu vậy, nhiều nông dân vẫn ráng bám trụ với nghề, với cây trồng mà họ luôn tâm huyết. Nhưng với những gì đang diễn ra, sau vụ mía này, vùng mía lớn nhất ở ĐBSCL nhiều khả năng sẽ đi vào ký ức.

Niên vụ mía 2020-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuống giống được hơn 5.000ha; trong đó, tính riêng huyện Phụng Hiệp đã hơn 4.700ha và có khoảng 5.000 hộ dân trồng.

Hiện tại, bà con đã bán mía chục khoảng 590ha; diện tích mía còn lại đang trong giai đoạn từ 6-8 tháng tuổi. Việc nhà máy đường duy nhất trên địa bàn tỉnh có kế hoạch tạm ngưng hoạt động trong vụ ép mía tới đây đã tạo ra sự lo lắng cho hàng ngàn hộ dân trồng mía địa phương

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Quang Vinh, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) trước dự báo về những khó khăn mà người trồng mía Hậu Giang sẽ gặp phải nếu Nhà máy đường Phụng Hiệp tạm ngưng hoạt động; đồng thời nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân lao động, đảm bảo lợi ích cho cổ đông Casuco và đặc biệt là duy trì được vùng mía nguyên liệu cho những năm tiếp theo, ông đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị Casuco chỉ đạo cho

Tổng giám đốc thực hiện gấp việc bảo trì máy móc thiết bị và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể sẵn sàng vào vụ sản xuất đường từ tháng 10 tới nhằm tiêu thụ kịp thời mía cho người dân. Ông hy vọng rằng, văn bản kiến nghị sẽ được chấp thuận để tạo niềm vui cho người trồng mía của tỉnh. 

ĐBSCL từ chỗ có 90.000ha trồng mía, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15.000ha - 16.000ha. Diện tích mía tập trung ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần ở Cà Mau. Từ chỗ có 10 nhà máy đường hoạt động, nay ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy ở Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh còn khả năng hoạt động.