Mộ to, đẹp để chiều người âm hay người dương?

Địa táng hay hỏa táng, mộ to hay mộ bé, vị trí, địa thế nơi gửi ông bà, tổ tiên ra sao… cũng là để tỏ lòng thành kính, biết ơn hướng về người đã khuất. Ý nguyện của người đã khuất không nên là cái cớ cho người đang sống.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đưa tro cốt vào không gian. Đây là một dịch vụ an táng độc đáo đã xuất hiện ở một số nước phát triển. Nó nói lên một phần câu chuyện về ý chí của người sống với ý nguyện của người đã khuất.

Thi thể người sau khi được hỏa táng sẽ được gửi lên không gian, nơi được coi là gần với cõi vĩnh hằng nhất, chạm đến vòng quay luân hồi của sự sống và cái chết.

Tương tự là các dự án thoạt nghe rất viễn tưởng nhưng lại rất có thể là sự thật: Siêu nghĩa trang dưới lòng đất ở Jerusalem (Israel) với đầy đủ tiện ích wifi, máy lạnh, cửa tự động; hay dự án công viên trên…mặt trăng của một dịch vụ tang lễ.

Có thể nói, một phần nguyên do của sự xuất hiện những ý tưởng này đến từ việc quỹ đất chôn cất người chết đang ngày càng co hẹp và cạn kiệt. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền ngày càng lớn để hiện thực hóa niềm tin, họ tìm nơi an nghỉ trước cả việc nghĩ đến viết thừa kế.

Những câu chuyện tương tự có thể thấy ở Việt Nam, thông qua những công trình tâm linh quy mô. Ở nhiều địa phương, bên cạnh việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp, giản dị, có nghịch lý ngày càng phổ biến: đất nghĩa trang phình to, mộ dành cho người đã khuất cũng to y như nhà người đang sống.

Một số nơi đã có sự ganh đua, khoe khoang vì sĩ diện, các mối quan hệ của người sống, chứ không còn là thực hiện di nguyện của người đã khuất. Từ đó, nghĩa trang trở nên tự phát, lộn xộn, như một thành phố, gây ô nhiễm môi trường, mất đoàn kết, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần của nhân dân.

Không ít chuyên gia cũng từng tỏ ý nghi ngờ, việc xây mộ to, công trình kiên cố ở nghĩa trang, rồi không di dời, nhường chỗ cho các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi chủ yếu xuất phát từ ý thức chủ quan của chủ đất.

Các bậc tiền nhân chắc hẳn cũng không hề muốn cản trở sự phát triển của địa phương, cản trở bước tiến mới cho thế hệ con cháu.

Công tác vận động, chuyển đổi tập tục địa táng sang hỏa táng hiện nay đang ngày càng trở nên cấp thiết và là một đòi hỏi thực tế của một xã hội đang ngày càng cuốn theo nhịp độ đô thị hóa.

Và kể cả khi đã vận động được cho người dân hiểu và chấp hành, việc giữ chỗ gửi tro cốt sau hỏa táng cũng bắt đầu có dấu hiệu quá tải, các dịch vụ liên quan cũng ngày một đắt đỏ.

Một số nước thậm chí đang có xu hướng khuyến khích rải tro người đã mất để giải phóng gánh nặng cho con cháu trong việc thăm viếng, hương khói.

Về mặt chính sách mang tính lâu dài, nước ta cần chuẩn hóa các quy định liên quan tới mai táng và hậu mai táng (ví dụ như TP.HCM đã có quy định không được chôn cất người chết trong khu dân cư, ngoài các nghĩa trang đã được xây dựng và quản lý theo quy hoạch).

Về mặt tâm linh, cần khéo léo vận động người dân từ bỏ những tập tục gây hại môi trường, hướng tới việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên sao cho văn nh, thuận tiện, vẫn hài hòa vấn đề phát triển của địa phương.

Suy cho cùng, địa táng hay hỏa táng, mộ to hay mộ bé, vị trí, địa thế nơi gửi ông bà, tổ tiên ra sao… cũng là để tỏ lòng thành kính, biết ơn hướng về người đã khuất. Ý nguyện của người đã khuất không nên là cái cớ cho người đang sống.