Mở rộng xe điện 4 bánh: Tiện lợi, nhưng chớ chủ quan

Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng Đề án “Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông” theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động.

Xe điện đón khách tham quan tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Baodulich

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ô tô điện được UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm từ tháng 6/2010. Qua thời gian thí điểm, xe điện được đánh giá có hiệu quả cao, mức giá hợp lý (khoảng 70.000 đồng/hành khách/lượt), thân thiện với môi trường, có ưu điểm vượt trội so với xích lô, xe ôm hay taxi.

Theo kết quả khảo sát, hơn 67% người được hỏi có nhu cầu sử dụng xe điện tham quan tại Hà Nội. Một số người từng sử dụng dịch vụ này chia sẻ:

Tôi thấy xe điện rất tiện lợi cho người có tuổi như tôi. Tôi thích là đi đâu cũng có phương tiện du lịch này.

Đi bằng xe điện tạo cho mình cảm giác thân thiện với môi trường và vô cùng thoáng mát. Mình được tiếp xúc gần với phố phường, cho mình cảm giác như được sống trong thủ đô Hà Nội.

Đây là phương tiện làm cảnh quan Hà Nội đẹp hơn trong du lịch và bạn bè quốc tế, nên đưa nhiều và phổ biến.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình xe điện 4 bánh chở khách du lịch, Sở GTVT đã khảo sát và quy hoạch 8 khu vực có thể triển khai mở rộng, gồm: Vườn quốc gia Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Hương, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân (Thường Tín), Thiên Sơn - Suối Ngà, Công viên Yên Sở và Khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.

Cơ quan này cũng đề ra nhiều giải pháp quản lý, cụ thể: doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; đăng ký màu sơn, niêm yết giá cước, số điện thoại; có đầy đủ phương án đảm bảo an toàn cho hành khách; phương tiện phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Cùng với đó là các quy định về cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn phương tiện và người lái,…

ThS. Vũ Anh Tuấn - Phó Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý GT-VT, Trường Đại học GTVT bày tỏ sự ủng hộ với các giải pháp này, bởi bất kỳ phương tiện nào tham vận chuyển hành khách cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về an toàn.

"Xe điện từ 12 chỗ trở xuống về đặc tính kỹ thuật thì nó tương đương với xe buýt nhỏ. Do vậy, quy định về bằng lái và đăng kiểm phương tiện sẽ phải tương đương với những phương tiện ô tô. Tùy thuộc vào phương tiện lưu thông với tốc độ như nào và phạm vi hoạt động ra sao thì chúng ta sẽ có những quy định về an toàn", ThS. Vũ Anh Tuấn nói.

Dưới góc nhìn của đơn vị đã tham gia thí điểm, ông Vũ Hà Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân cho rằng, những giải pháp vừa nêu sẽ giúp hoạt động vận tải đi vào nền nếp. Trong 10 năm thí điểm, Công ty Cổ phần Đồng Xuân đã vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách, trong đó, hơn 70% là khách quốc tế. Do đó, ông Thanh cho rằng, việc triển khai mở rộng tại 8 địa điểm được đề xuất là phù hợp:

"Phương tiện xe điện rất phù hợp tại các khu du lịch, vì đây đều là những không gian khép kín, giảm thời gian đi lại, tham quan của các đoàn khách. Việc lắp thiết bị giám sát hành trình hoạt động rất cần thiết, một phần để doanh nghiệp tự kiểm soát hoạt động của lái xe, phương tiện có nảy sinh vấn đề không để kịp thời xử lý", ông Vũ Hà Thanh cho biết thêm

Được biết, những giải pháp mà Sở GTVT đề xuất đều đã được Công ty Cổ phần Đồng Xuân thực hiện, và đơn vị cho biết: không gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình triển khai. Đó là cơ sở để cơ quan quản lý nghiên cứu và áp dụng rộng rãi, từ đó phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình xe điện 4 bánh chở khách du lịch tại thủ đô.