Mất mạng vì "lách" luật

Pháp luật đã có những quy định cụ thể và đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động, nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến hậu quả thương tâm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, con số tai nạn lao động mới chỉ phản ánh một phần thực tế khi có doanh nghiệp cố tình giấu nhẹm những vụ việc này.

Do đó, để giảm nguy cơ mất an toàn lao động thì phải làm sao để không còn tình trạng: "Mất mạng vì "lách" luật".

Hiện trường vụ nổ lò hơi làm sáu người tử vong. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Các nghiên cứu đã chỉ ra, tai nạn lao động từ nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3%. Còn nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%.

Cụ thể hơn, quá nửa (54%) nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động. Thực tế cũng nh chứng điều này, khi phần lớn tai nạn lao động thuộc các trường hợp người sử dụng lao động thiếu quan tâm, chưa chú ý thực hiện quy định pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc.

Từ đó, kéo theo chính người lao động cũng dần lơ là, chủ quan, không tuân thủ các quy định về an toàn. Đặc biệt là kiểu làm “lách luật” khi doanh nghiệp thực hiện các quy định trong vấn đề này một cách hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động cũng như công việc họ làm.

Như vậy, các đơn vị, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cũng là lớn nhất và quan trọng nhất để có thể giảm đi các vụ tai nạn lao động cũng như hạn chế thương tổn đối với sức khỏe con người.

 Một trong những nguyên tắc của Bộ luật Lao động đã nêu rõ, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn thì mới được sản xuất. Mà để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các nội quy, các quy trình bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc các nhà máy đã được trang bị các dây chuyền máy móc mới, hiện đại, vận hành tự động ngày càng nhiều, nhưng một bộ phận người lao động lại chưa được huấn luyện, đào tạo kịp thời nên phải đối mặt với những rủi ro về an toàn lao động. Bởi dù máy móc có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là mấu chốt vì chỉ một chút chủ quan, lơ là của cả người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình sản xuất sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Về mặt thể chế, Luật An toàn vệ sinh lao động cũng như hệ thống chính sách pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ và tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên, để thực thi tốt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động, đảm bảo kiểm soát tốt các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của công nhân, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, cơ sở để xảy ra tai nạn lao động do lỗi chủ quan. 

Với việc cơ quan thanh tra chuyên ngành “50 năm mới có thể thanh tra lại doanh nghiệp 1 lần” thì lực lượng này dù ở cấp nào cũng cần sớm được đảm bảo có đủ số lượng, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động.

Với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa tiếp cận được các quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động thì cần thêm những sự trợ giúp, hướng dẫn để họ có những hành động đúng, kịp thời. Thậm chí an toàn lao động cần trở thành tiêu chí đánh giá doanh nghiệp để họ tự giác tự kiểm tra rà soát nội quy, quy trình an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, cơ sở của mình. Từ đó, phát hiện sớm nhất những thiếu sót và nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động.

Ở các nước trên thế giới, công tác đảm bảo an toàn lao động được thực hiện bằng cách phân định cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân và liên đới từng người, từng khâu trong các bộ phận có liên quan nếu để xảy ra mất an toàn lao động rất rõ ràng. Lực lượng thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của người lao động, khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo thì yêu cầu khắc phục ngay.

Còn chủ sử dụng lao động một khi vi phạm quy định pháp luật, không có phương án an toàn lao động dẫn đến tai nạn chết người sẽ bị chế tài nghiêm khắc, rút giấy phép hoạt động, ngoài phạt nặng có thể bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, an toàn lao động là việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ gói gọn trong một phong trào hay khoảng thời gian nhất định, vì chỉ cần vài giây bất cẩn, mỗi phút, mỗi giờ qua đi nếu chủ quan trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động thì đều có thể phải trả giá đắt.

Hậu quả thương tâm và tàn khốc từ tai nạn lao động là điều mà chúng ta đã thấy. Vậy nên, đảm bảo an toàn lao động không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu suông, mà cần được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực để có thể giảm thiểu các vụ việc đau lòng như đã xảy ra thời gian qua.