Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi): Nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế soạn thảo được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là việc nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Như VOV Giao thông đã giới thiệu, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế soạn thảo gồm 9 chương, 125 điều.

Tới nay, qua điều chỉnh, Dự Luật vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 gồm 12 chương và 106 điều, tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Bên cạnh quy định về việc thi đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh 5 năm một lần đã được VOV Giao thông phân tích, thì một số nội dung cũng đang nhận được quan tâm, góp ý là: Quy định về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Với việc chia thành 3 cấp: khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu, nhiều ý kiến góp ý cần làm rõ khái niệm y tế cơ sở để có đầu tư cho phù hợp, bởi đây là cấp thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân.

ảnh nh hoạ (vna)

Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, tại Điều 55, cũng có đề nghị cần cụ thể hơn. Trong đó, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan.

Về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, Điều 90 có đề cập hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước.

Các đại biểu cho rằng, điều này cần phải phân tích cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động, đảm bảo là hài hòa giữa lợi ích chữa bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất nên bổ sung thêm quy định về yêu cầu kiến thức và những chứng chỉ cần thiết của người hành nghề y.

Đồng thời, dự thảo Luật cần quy định rõ, người bệnh và người đại diện chỉ ký cam kết đồng ý thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và chấp nhận rủi ro sau khi được người thầy thuốc giải thích rõ ràng.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế soạn thảo đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, góp ý, chỉnh sửa và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp sắp tới.

ảnh nh hoạ (moh.gov.vn)

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nhất là trong trong giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện luật vừa làm kim chỉ nam cho ngành y tế vượt qua khó khăn trước mắt và định hướng phát triển lâu dài. Vậy, Dự luật này cần chỉnh sửa gì cho hoàn thiện?

PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

PV: Ông có đóng góp, bổ sung gì với các nội đung đang được điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này?

Ông Trần Văn Tuấn: Trong Dự thảo này có rất nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm như đổi mới hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, đối tượng cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, rồi hình thức khám chữa bệnh từ xa.

Qua việc sửa đổi bổ sung Luật lần này để tạo ra hành lang pháp lý cho tới đây Nhà nước có định hướng chủ trương, chính sách cho hoạt động khám chữa bệnh rõ hơn nhằm khắc phục những vấn đề đang đặt ra nhất là những khó khăn, bất cập đã bộc lộ trong đợt dịch Covid vừa qua.

Theo tôi có 3 vấn đề cần quan tâm: Cần phải xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trong Dự thảo Luật có quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động khám chữa bệnh nhưng tôi nghĩ là vẫn chung chung, chưa đủ vì nó chưa thể hiện rõ vai trò của Nhà nước tới đâu, vai trò của thị trường tới đâu bởi chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường trong đó quan tâm đến thị trường dịch vụ, có cả thị trường khám bệnh, chữa bệnh.

Tôi thấy nội dung này cần được xác định rõ là: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chủ yếu đầu tư vào phát triển hệ thống khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở, ở những nơi khó khăn đồng thời phát huy vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực để phát triển khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân.

Thứ 2, trong dự thảo Luật phải xác định rõ một số định hướng chính sách như Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển thị trường khám bệnh, chữa bệnh; chính sách trong việc thu hút các tổ chức, cá nhân kể cả ở nước ngoài đầu tư vào khám chữa bệnh; thứ 3 là chính sách thu hút người nước ngoài vào Việt Nam hành nghề khám chữa bệnh, kể cả vào VN để khám chữa bệnh với tư cách bệnh nhân, cái này trong Luật chưa có.

Khi chúng ta nhìn nhận dịch vụ khám chữa bệnh này cả khía cạnh an sinh xã hội và khía cạnh kinh tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời thông qua đó, phát huy lĩnh vực này đóng góp cho nền kinh tế.

PV: Vậy, theo ông, Dự Luật này cần quan tâm, bổ sung nội dung gì để tháo gỡ những khó khăn cho ngành y tế và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở?

Ông Trần Văn Tuấn: Qua phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống y tế bộc lộ nhiều bất cập, nhất là y tế cơ sở ở những nơi khó khăn chưa được quan tâm đúng mức cả về cơ sở vật chất, cả về con người, cơ sở vật chất lạc hậu thiếu thốn cả thiết bị và thuốc chữa bệnh.

Khi dịch bệnh bùng phát, đội ngũ nhân viên y tế làm việc ngày đêm nhưng chế độ ưu đãi, phụ cấp là rất thấp. Điều này chưa thực sự khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Do đó, qua việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ về để có chính sách phù hợp hơn nữa trong việc ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho hệ thống khám bệnh, chữa bệnh nhất là cơ sở, vùng sâu, vùng xa khó khăn.

Nếu cần thiết định hướng chính sách trong thời gian tới có chế độ đãi ngộ, tiền lương, phụ cấp mang tính đặc thù cho ngành y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

ảnh nh hoạ (moh.gov.vn)

Việc sửa đổi bổ sung Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) cần tạo ra hành lang pháp lý, để có những định hướng chủ trương chính sách trong hoạt động khám chữa bệnh rõ hơn. Đồng thời làm rõ quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế để khắc phục được bất cập đang đặt ra.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộcc trao đổi với bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội dược học Việt Nam.     

PV: Theo bà, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần phải đáp ứng được các mục tiêu nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi chờ đợi ở Luật Khám chữa bệnh sửa đổi là làm sao chúng ta tạo được một hành lang pháp lý, một môi trường thuận lợi hơn cho y tế nước nhà phát triển. Cung ứng, dự phòng và điều trị là ba chân kiềng để tạo nên một hệ thống y tế hoàn chỉnh.

Hiện nay hệ thống điều trị đang đối mặt với nhiều thử thách lớn, xương sống của điều trị là bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn, chúng ta cần khẩn trương có giải pháp để "cởi trói" bởi nếu cởi trói và phát huy được thì điều trị sẽ tốt và người dân được hưởng thụ. 

PV: Liên quan đến việc quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế được đề cập trong Dự Luật này, bà có ý kiến ra sao?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Giờ có cơ chế tự chủ, tự chủ chỉ để Nhà nước ngày càng giảm ngân sách dành cho lương bác sỹ, nhân viên y tế còn bệnh viện phải chủ động về thu chi, nhưng tự chủ này rất khó bởi giá cả bị quy định, các nguồn quỹ lập ra cũng phải theo quy định.

Rất nhiều y bác sỹ lựa chọn phương án an toàn: không mua sắm, không đấu thầu và thiệt thòi là người bệnh.

Vì thế chúng ta phải xem xét việc trong một bệnh viện công lập có 2 loại giá song song tồn tại: giá dịch vụ và giá BHYT để thống nhất một giá. Nếu như có thể Nhà nước thực hiện trợ giá cho bảo hiểm để người dân vẫn được khám chữa bệnh đúng với chất lượng nhưng bệnh viện cũng được chi trả tương xứng với dịch vụ đó.

Tôi đề nghị trong Luật phải có cơ chế riêng để làm sao có được thuốc và trang thiết bị cho bệnh viện.

PV: Xin cảm ơn bà!

ảnh nh hoạ (moh.gov.vn)

Từ thực tiễn cho thấy, việc sớm thông dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết. Đặc biệt là vấn đề đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, các trung tâm chăm sóc sức khỏe để khi mắc bệnh thì người dân có thể nhanh chóng tiếp cận với y tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án luật lần này đã đề cập vấn đề phát triển y tế cơ sở nhưng chưa đủ, cần có chính sách và quan tâm hơn nữa. Do đó, Luật Khám chữa bệnh cần được nghiên cứu để có những điều luật cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện cho y tế cơ sở thực sự phát triển.

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đúng với tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.