Lựa chọn nhảy việc có giúp đạt được điều bạn muốn hay không?

Xây dựng giá trị nghề nghiệp đòi hỏi thời gian và cả tính kiên trì. Trong quá trình đó, hãy đặt ra một lộ trình để tự khám phá bản thân, biết điểm mạnh của mình ở đâu, biết bản thân muốn làm công việc gì.

Dù vậy, nhảy việc quá nhiều, thậm chí theo cảm xúc nhất thời, khiến nhiều người rơi vào trạng thái mất phương hướng, một số trở nên hoài nghi về khả năng của bản thân và bế tắc với vòng luẩn định hướng tương lai.

Sau gần 5 năm ra trường, Nguyễn Văn Tiến, một kỹ sư xây dựng cho tôi biết, dù đang làm ở một doanh nghiệp nhà nước nhưng trong ngăn bàn cậu lúc nào cũng sẵn 2 bộ hồ sơ xin việc, để ‘không bị lỡ cơ hội khi cần’.

Tiến chia sẻ, nhiều lúc cũng ‘oải’ vì có thể sẽ phải bắt đầu lại từ đầu nếu chuyển công ty, sang chỗ khác vẫn là ‘lính mới’, phải thử việc như sinh viên mới ra trường, nhưng cậu vẫn đang cố ‘săn’ một công việc phù hợp hơn.

Thực tế, trường hợp của Tiến không phải cá biệt, thậm chí có không ít thanh niên mới đi làm được 2 năm nhưng đã chuyển đến 6-7 chỗ làm khác nhau và nhiều người trẻ hiện nay quan niệm nhảy việc không phải là vấn đề gì quá to tát.

Nhảy việc chưa hẳn là không tốt, nếu bạn dành đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo, hiểu bản thân đang thiếu và cần trau dồi thêm những kinh nghiệm gì - Ảnh nh họa

Có thể thấy, 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến thị trường lao động, thay đổi xu hướng việc làm khiến tình trạng nhảy việc diễn ra phổ biến hơn.

Nhảy việc chưa hẳn là không tốt, nếu bạn dành đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo, hiểu bản thân đang thiếu và cần trau dồi thêm những kinh nghiệm gì.

Trong một số trường hợp nhảy việc còn thể hiện tính năng động của người trẻ, dám bứt ra khỏi ‘vùng an toàn’ để tìm kiếm cơ hội, thách thức mới, thực hiện ước muốn, đam mê. Tuy nhiên, hiện nay không ít thanh niên chọn cách nhảy việc chỉ vì ‘một phút bốc đồng’, muốn đốt cháy giai đoạn, khi công việc hiện tại gặp áp lực và không xác định được mục tiêu dài hạn của bản thân.

Tương lai là điều khó đoán định. Một người nhất thời nhảy việc, ‘đứng núi này trông núi nọ’, khó có thể biết được công việc mới có thú vị, hấp dẫn như kỳ vọng hay không, hay sau một thời gian sẽ trở thành nhàm chán với áp lực không hề thay đổi.

Có ý kiến cho rằng thế hệ Z hiện nay bước vào đời với quá nhiều cơ hội việc làm, được tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến hơn thế hệ trước, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học. Do vậy họ cũng sáng tạo, tự tin hơn, vì thế cái tôi cá nhân cũng cao hơn.

Nhưng tôi cho rằng, nhiều người trẻ còn hiểu chưa sâu về thế giới nghề nghiệp, chưa vấp váp, cũng như chưa hiểu chính bản thân mình. Có câu ‘bông lúa chín là bông lúa cúi đầu’, đến lúc nội tâm đủ mạnh, kiến thức đủ sâu, kinh nghiệm đủ dày; tôi tin khi đó, dù nhảy việc thì đó cũng là bước đi chắc chắn hướng tới tương lai của các bạn trẻ.

Xây dựng giá trị nghề nghiệp đòi hỏi thời gian và cả tính kiên trì. Trong quá trình đó, hãy đặt ra một lộ trình để tự khám phá bản thân, biết điểm mạnh của mình ở đâu, biết bản thân muốn làm công việc gì.

Và lựa chọn nhảy việc có giúp đạt được điều bạn muốn hay không?