Lộ trình và biện pháp của Hà Nội xóa các điểm ùn tắc giao thông

VOVGT- Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, toàn TP vẫn còn 24 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, đồng thời cũng phát sinh 13 điểm, nút giao thông ùn tắc

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong năm 2017, toàn thành phố phát sinh 13 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông (Ảnh: Thanh niên)

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, năm 2017, toàn thành phố đã xử lý được 17 điểm thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Trong số này, có những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, kể cả ngoài giờ cao điểm như: ngã tư La Thành – Hoàng Cầu, ngã tư Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa, 2 đầu cầu vượt Thái hà- Láng Hạ…

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng kết cấu Hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, giải pháp chính để xử lý các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc là tháo bỏ, thu hẹp rào chắn thi công các công trình trọng điểm, tổ chức lại giao thông tại các nút và phân luồng, giảm tải phương tiện vào các nút thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc, nhất là trong giờ cao điểm.

Chẳng hạn, với dọc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với đơn vị thi công tiến hành khảo sát và thống nhất thu hẹp và dỡ bỏ một loạt hàng rào để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại và phục vụ dân sinh. Đối với đoạn Mai Dịch- cầu Thăng Long, Sở GTVT Hà Nội cũng tổ chức giao thông, phân luồng phương tiện để giảm tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này.

>>>Tăng cường giải tỏa áp lực ở các nút giao thông trọng điểm

Đánh giá kết quả đạt được, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Phải tăng cường phối hợp tất cả các lực lượng, trong đó lực lượng công an, thanh tra giao thông, ngoài ra phải huy động các lực lượng của các địa phương cũng như các lực lượng có trên địa bàn như các trường học, các đơn vị thi công phải phối hợp với lực lượng liên ngành để chống ùn tắc.”

 

Tuy vậy, theo Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2017, toàn thành phố cũng phát sinh 13 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Phân tích về tình trạng này, chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, việc xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố thời gian qua chưa mang tính bền vững. Bằng chứng là việc Thành phố xử lý được 17 điểm ùn tắc nhưng cũng phát sinh 13 điểm ùn tắc khác. Như vậy, hiệu quả việc xử lý các điểm ùn tắc chưa thật sự hiệu quả.

17 điểm thường xuyên diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm đã được xử lý (Ảnh: 24h)

Theo ông Tâm, gốc tích của tình trạng ùn tắc là sự quá tải của hạ tầng cơ sở. Khi hạ tầng cơ sở đã ở mức cố định thì giải pháp trước măt cần thực hiện là việc tổ chức giao thông cần được thực hiện thay đổi theo từng thời điểm đỏi hỏi đơn vị tổ chức giao thông phải thường xuyên theo dõi và xử lý kịp thời.

Ông Tâm nói: “Nếu nặng về tổ chức giao thông mà không có sự cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng thì nó sẽ khó bền vững. Bây giờ hạ tầng cơ sở là phải xét đến lưu lượng xe, số lượng xe, thành phần xe, trong khi số lượng xe không thay đổi hoặc ngày càng tăng lên, trong khi hạ tầng cơ sở không mở ra thêm được nữa thì cái gì tất yếu sẽ xảy ra.”

 

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, do mật độ phương tiện giao thông không ngừng tăng, nên số lượng điểm ùn tắc vẫn không ngừng phát sinh. Ông Toàn cho rằng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới vẫn là phải rà soát, tìm ra những điểm chưa hợp lý trong tổ chức giao thông để tổ chức lại. Với các công trình giao thông trọng điểm, Sở GTVT Hà Nội sẽ rà soát để thu hẹp các hàng rào chiếm dụng các tuyến đường để hạn chế ùn tắc tại vị trí thi công các công trình trọng điểm.

Đặc biệt, việc xử lý các hành vi vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng được coi là giải pháp trọng tâm nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn. Ông Toàn nói: “Việc rà soát hệ thống biển báo, sơn kẻ để xử lý nghiêm nh việc vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và sẽ cải thiện tình hình giao thông và tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.”

 

Như vậy, trong năm 2017, Hà Nội đã xử lý được 17 điểm thường xuyên diễn ra ùn tắc giao thông, song cũng phát sinh 3 điểm ùn tắc khác. Điều đó cho thấy, hiệu quả xử lý tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố chưa mang tính bền vững, đòi hỏi cơ quan liên ngành của thành phố cần đánh giá đúng nguyên nhân của tình trạng ùn tắc để đề ra biện pháp hiệu quả, nhất là việc giảm tải phương tiện cơ giới vào nội đô để góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc trên địa bàn.

>>>Tăng cường xử lý vi phạm dừng đỗ gây ùn tắc giao thông dịp cuối năm