Lộ trình đưa "tiền cao tốc" chưa hoàn chỉnh trở nên hoàn chỉnh

Với những tuyến đường bộ cao tốc mà nhiều đoạn chỉ 1-2 làn xe chạy mỗi chiều, không có làn khẩn cấp trên toàn tuyến khiến không ít người tham gia giao thông bày tỏ băn khoăn về bản chất đường cao tốc khi tốc độ lưu thông chậm và thiếu an toàn.

Trong khi các chuyên gia giao thông khẳng định, nó không phải là đường cao tốc dù đang khai thác lẫn với các đoạn tuyến cao tốc còn lại.

Hai lý do lớn nhất cho việc đầu tư xây dựng đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, đó là do ngân sách hạn chế, khó huy động nguồn lực xã hội nên tiến hành đầu tư trước đường cao tốc chỉ có hai làn xe và sẽ được nâng lên 4-6 làn vào giai đoạn hoàn chỉnh.

Nguyên nhân thứ 2 là do nhu cầu phương tiện chưa cao nên chưa cần làm đủ các làn xe. Đây được coi là giải pháp nhằm tiết kiệm khoản kinh phí đầu tư ban đầu khi xây mới đường cao tốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau một thời gian đưa vào khai thác, những đoạn đường chờ thành cao tốc trong tương lai đã bộc lộ nhiều hạn chế: Như Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) không có làn dừng khẩn cấp khiến phương tiện gặp sự cố phải dừng trên một làn đường gây ùn tắc và công tác cứu hộ gặp khó khăn.

Thực tế, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc này đang không ngừng tăng cao, trong khi quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm, nên hiện không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu người dân.

Tương tự, đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn với bốn làn xe hạn chế cũng thường ùn tắc vào ngày lễ Tết do lưu lượng phương tiện lớn.

Còn đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai dù là cao tốc có thu phí song chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa mà lưu lượng phương tiện ngày càng tăng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Khi mới đưa vào khai thác đoạn Yên Bái - Lào Cai có lưu lượng 2.500 xe/ngày đêm, nhưng đến nay đã tăng lên 11 nghìn phương tiện/ ngày đêm.

Thực tế này khiến các đoạn đường "tiền cao tốc" trở thành “thấp tốc”, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông. Hơn nữa, nếu để tình trạng "tiền cao tốc" kéo dài dẫn đến sự mập mờ về mặt quản lý và các tính phí không phù hợp, người dân phải trả phí di chuyển trên đường cao tốc mà không thấy thỏa đáng.

Vì thế những đoạn tuyến nào chưa đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì chủ đầu tư phải tiến tới hoàn thiện nó để thu phí thì mới đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dân.

Ảnh: VOV

Mặt khác, nó còn đưa đến tâm lý chủ quan cho người lái xe vì cho rằng mình đang đi trên đường cao tốc nhưng thực tế tiêu chuẩn lại không đạt, nên rất dễ xảy ra tai nạn. Đoạn "tiền cao tốc" Yên Bái - Lào Cai chính là ví dụ điển hình khi đoạn đường này xảy ra nhiều tai nạn nhất so với toàn tuyến.

Chưa kể, việc thay đổi tốc độ và số làn đường từ cao tốc sang các đoạn tuyến chưa đạt cao tốc dẫn đến nguy cơ ùn tắc, dồn ứ, nhất là ở các tuyến đường trọng điểm.

Thêm vào đó, về mặt thuật ngữ, cần thống nhất và đồng bộ tiêu chuẩn về đường cao tốc, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới, với các đoạn đường không có đủ các tham số theo quy định thì không phải là đường cao tốc, chứ không thể gọi là "tiền cao tốc".

Thủ tướng Chính phủ mới đây có chỉ đạo, quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100km/h; và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư đường cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.

Như vậy, song song với việc không đầu tư xây dựng mới đường cao tốc dạng "tiền cao tốc" thì cần có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và tính toán nếu mở rộng từ hai lên bốn làn xe sẽ cần bố trí thêm gần 60 nghìn tỷ đồng.

Hiện cả nước có 11 dự án cao tốc triển khai giai đoạn một quy mô hai làn xe, bao gồm 2 tuyến đang thi công; 6 dự án được phê duyệt đầu tư và 3 dự án đang được đề xuất chủ trương đầu tư.

Mặc dù việc điều chỉnh lên bốn làn cho những dự án này được đánh giá sẽ gặp khó khăn về vốn, thời gian kéo dài, tuy nhiên mang lại ý nghĩa lâu dài và giúp không lãng phí nguồn lực sau này.

Mặt khác, với những đoạn đường cao tốc 2 làn hiện có, đang chờ được đầu tư trong giai đoạn tiếp theo thì cần có rà soát, đánh giá để bổ sung ngay các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm tránh các nguy cơ ùn tắc và tai nạn.

Đồng thời có nghiên cứu kỹ lưỡng về lưu lượng giao thông, về cơ sở hạ tầng để đề xuất đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn nhằm mở rộng thành các tuyến cao tốc đủ tiêu chuẩn trong thời gian tới.

Mong mỏi của nhiều người tham gia giao thông là những cao tốc hai làn xe vừa qua vì lý do nguồn vốn hạn chế và đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, sẽ sớm được hoàn chỉnh đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch, để nó trở thành đúng nghĩa là đường cao tốc.