Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Xử lý ra sao với những tuyến đường “chờ” thành cao tốc? Xử lý ra sao với những tuyến đường “chờ” thành cao tốc?

Xử lý ra sao với những tuyến đường “chờ” thành cao tốc?

Nguyễn Yên - Minh HIếu   •   6:30 27/02/2023

Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100km/h.

Với tinh thần này, những đoạn tuyến được coi là đường cao tốc nhưng chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách như: đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Yên Bái - Lào Cai, cao tốc La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1, cùng một số dự án khác do địa phương đề nghị “phân kỳ đầu tư” sẽ được giải quyết ra sao?

Thường xuyên chở khách trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tài xế Nguyễn Sơn, ở Đoan Hùng, Phú Thọ nhiều lần thót tim khi chứng kiến các xe lấn làn, vượt sai quy định tại đoạn Yên Bái - Lào Cai, do đường chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách cứng:

"Đường thực sự là xuống cấp, những chỗ vừa sửa xong cũng “nát” rồi. Những đoạn để cho xe vượt nhau rất ít và rất thưa, gặp xe họ đi tốc độ 50-60km/h thôi là mình không thể vượt được, nhiều khi lái xe phải vượt ẩu".

Được di chuyển trên những tuyến đường cao tốc đúng tiêu chuẩn và xứng đáng với mức phí phải chi trả là mong mỏi của tất cả người tham gia giao thông:

"4 làn cao tốc và có dải phân cách cứng thì không phải lo ngại vấn đề xe họ vượt ẩu hay là chèn vạch, lấn làn. Mình bỏ tiền ra để trả phí sử dụng đường cao tốc, nhưng số tiền mình bỏ ra quá cao so với chất lượng mình nhận lại được".

"Chỉ mong nhà đầu tư, đơn vị quản lý cố gắng mở rộng mặt bằng. Đã là cao tốc thì phải có 2-3 làn xe, chứ chỉ 1 làn xe thì vượt sang bên trái dính lỗi đè vạch, mà sang bên phải thì dính làn khẩn cấp".

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: VOV)

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Ảnh: VOV)

TS. Dương Tất Sinh, giảng viên bộ môn Đường bộ, Trường đại học Công nghệ GTVT phân tích, đường cao tốc ít làn xe sẽ hạn chế hơn về năng lực thông hành và khả năng xử lý khi có sự cố xảy ra. Đương nhiên các nhà quy hoạch nhìn thấy điều này, nhưng để làm cao tốc đạt tiêu chuẩn lại liên quan kinh phí:

"Những người quy hoạch và thiết kế đã dự trù sẵn, chỉ là kinh phí chưa đủ xây dựng thì người ta phân kỳ nó ra. Thế còn với những đường cao tốc chưa đủ tiêu chuẩn, sau khi xây dựng xong, người ta phải đánh giá lại năng lực khai thác, từ đó điều chỉnh hạng mục công trình, tổ chức giao thông cho phù hợp. Tốt nhất là phải chuẩn bị kinh phí nâng cấp, mở rộng giai đoạn tiếp theo cho hoàn chỉnh".

Tại thông báo kết luận mới đây về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe, gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.

Chuyên gia giao thông, PGS. TS. Doãn Minh Tâm đánh giá, chỉ đạo của Thủ tướng là rất chính xác, không chỉ phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Tiêu chuẩn Việt Nam 5729/2012 cũng như tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển đường cao tốc trong tương lai:

"Do khả năng huy động vốn và thực tiễn lưu lượng xe trên từng đoạn, nên tại Việt Nam hiện nay đang có một số dự án đường cao tốc đưa vào sử dụng 2 làn xe. Các chủ đầu tư cần nghiên cứu thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng.

Việc cải tạo, nâng cấp phải nằm trong các dự án, báo cáo của từng cơ quan có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Tất cả phải được tính đúng, tính đủ, tuân thủ theo tiêu chuẩn, quy định đường cao tốc hiện đại".

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai có những đoạn tuyến chỉ có 2 làn xe (Ảnh: VOV)

Cao tốc Nội Bài-Lào Cai có những đoạn tuyến chỉ có 2 làn xe (Ảnh: VOV)

PGS. TS. Nguyễn Đình Thám, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Trường đại học Xây dựng Hà Nội ủng hộ tầm nhìn quy hoạch đường cao tốc tối thiểu 4 làn xe ô tô, tuy nhiên, cũng nên cân nhắc “bài toán” kinh tế khi đầu tư những tuyến đường cần thiết để phát triển vùng sâu, vùng xa, mà thực tế lưu lượng phương tiện chưa cao:

"Nếu đường mà lưu lượng vận tải lớn thì đầu tư là hoàn toàn chính xác. Nhưng có những tuyến xe cộ chưa lớn thì dẫn đến lãng phí đầu tư. Nên chia thành 2 giai đoạn, khi nào kinh tế phát triển thì sẽ mở rộng ra. Vấn đề là quy hoạch phải chuẩn, thiết kế phải chuẩn, đặc biệt là giải phóng mặt bằng".

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, với những đoạn tuyến có lưu lượng dưới 5.000 xe/ngày đêm thì phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với 1 làn xe và 1 làn dừng khẩn cấp theo mỗi chiều đi là phù hợp.

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng và làm nền đường phải gần như hoàn chỉnh để dễ dàng mở rộng khi lưu lượng phương tiện tăng lên:

"Tôi nghĩ nếu đầu tư công đủ điều kiện về tài chính thì chúng ta đầu tư luôn 4 làn. Còn với các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP), để xây hoàn chỉnh luôn mà lưu lượng xe hạn chế thì chắc chắn phương án tài chính không khả thi, họ sẽ không đầu tư.

Bộ GTVT phải tính toán, xem khu vực nào đầu tư đường cao tốc hoàn chỉnh, khu vực nào chấp thuận phân kỳ. Nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 20% dự án, Nhà nước đóng góp 50%, còn 30% là họ đi vay, nhưng các nguồn vay tín dụng hiện nay gần như không có khả năng. Do đó, phải giải quyết vấn đề quỹ đầu tư phát triển để giải quyết “bài toán” vốn", ông Trần Chủng nói.

Bên cạnh đó, ông Trần Chủng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác quản lý, khai thác, vận hành đường cao tốc, bởi vốn đầu tư đã khó, nhưng nếu quản lý không chặt chẽ và khoa học thì khi đường cao tốc xuống cấp, việc sửa chữa hư hỏng còn tốn kém hơn rất nhiều.

Một đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan (Ảnh: VOV)

Một đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan (Ảnh: VOV)

Với những tuyến đường bộ cao tốc mà nhiều đoạn chỉ 1-2 làn xe chạy mỗi chiều, không có làn khẩn cấp trên toàn tuyến khiến không ít người tham gia giao thông bày tỏ băn khoăn về bản chất đường cao tốc khi tốc độ lưu thông chậm và thiếu an toàn; trong khi các chuyên gia giao thông khẳng định, nó không phải là đường cao tốc dù đang khai thác lẫn với các đoạn tuyến cao tốc còn lại.

Do đó, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần sớm có Lộ trình đưa "tiền cao tốc" chưa hoàn chỉnh trở nên hoàn chỉnh để đảm bảo đúng các tiêu chuẩn của đường cao tốc.

Hai lý do lớn nhất cho việc đầu tư xây dựng đường cao tốc chỉ có 2 làn xe, đó là do ngân sách hạn chế, khó huy động nguồn lực xã hội nên tiến hành đầu tư trước đường cao tốc chỉ có hai làn xe và sẽ được nâng lên 4-6 làn vào giai đoạn hoàn chỉnh.

Nguyên nhân thứ 2 là do nhu cầu phương tiện chưa cao nên chưa cần làm đủ các làn xe. Đây được coi là giải pháp nhằm tiết kiệm khoản kinh phí đầu tư ban đầu khi xây mới đường cao tốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau một thời gian đưa vào khai thác, những đoạn đường chờ thành cao tốc trong tương lai đã bộc lộ nhiều hạn chế: Như Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) không có làn dừng khẩn cấp khiến phương tiện gặp sự cố phải dừng trên một làn đường gây ùn tắc và công tác cứu hộ gặp khó khăn.

Thực tế, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc này đang không ngừng tăng cao, trong khi quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm, nên hiện không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu người dân.

Tương tự, đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn với bốn làn xe hạn chế cũng thường ùn tắc vào ngày lễ Tết do lưu lượng phương tiện lớn.

Còn đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai dù là cao tốc có thu phí song chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa mà lưu lượng phương tiện ngày càng tăng nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Khi mới đưa vào khai thác đoạn Yên Bái - Lào Cai có lưu lượng 2.500 xe/ngày đêm, nhưng đến nay đã tăng lên 11 nghìn phương tiện/ ngày đêm.

Thực tế này khiến các đoạn đường "tiền cao tốc" trở thành “thấp tốc”, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông. Hơn nữa, nếu để tình trạng "tiền cao tốc" kéo dài dẫn đến sự mập mờ về mặt quản lý và các tính phí không phù hợp, người dân phải trả phí di chuyển trên đường cao tốc mà không thấy thỏa đáng.

Vì thế những đoạn tuyến nào chưa đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì chủ đầu tư phải tiến tới hoàn thiện nó để thu phí thì mới đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dân.

Ảnh: VOV

Ảnh: VOV

Mặt khác, nó còn đưa đến tâm lý chủ quan cho người lái xe vì cho rằng mình đang đi trên đường cao tốc nhưng thực tế tiêu chuẩn lại không đạt, nên rất dễ xảy ra tai nạn. Đoạn "tiền cao tốc" Yên Bái - Lào Cai chính là ví dụ điển hình khi đoạn đường này xảy ra nhiều tai nạn nhất so với toàn tuyến.

Chưa kể, việc thay đổi tốc độ và số làn đường từ cao tốc sang các đoạn tuyến chưa đạt cao tốc dẫn đến nguy cơ ùn tắc, dồn ứ, nhất là ở các tuyến đường trọng điểm.

Thêm vào đó, về mặt thuật ngữ, cần thống nhất và đồng bộ tiêu chuẩn về đường cao tốc, phù hợp với tiêu chuẩn thế giới, với các đoạn đường không có đủ các tham số theo quy định thì không phải là đường cao tốc, chứ không thể gọi là "tiền cao tốc".

Thủ tướng Chính phủ mới đây có chỉ đạo, quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 - 100km/h; và có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc, không đầu tư đường cao tốc quy mô hạn chế 2 làn xe gây lãng phí nguồn lực và thời gian nâng cấp, mở rộng.

Như vậy, song song với việc không đầu tư xây dựng mới đường cao tốc dạng "tiền cao tốc" thì cần có kế hoạch đầu tư hoàn thiện đúng tiêu chuẩn cao tốc.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và tính toán nếu mở rộng từ hai lên bốn làn xe sẽ cần bố trí thêm gần 60 nghìn tỷ đồng.

Hiện cả nước có 11 dự án cao tốc triển khai giai đoạn một quy mô hai làn xe, bao gồm 2 tuyến đang thi công; 6 dự án được phê duyệt đầu tư và 3 dự án đang được đề xuất chủ trương đầu tư.

Mặc dù việc điều chỉnh lên bốn làn cho những dự án này được đánh giá sẽ gặp khó khăn về vốn, thời gian kéo dài, tuy nhiên mang lại ý nghĩa lâu dài và giúp không lãng phí nguồn lực sau này.

Mặt khác, với những đoạn đường cao tốc 2 làn hiện có, đang chờ được đầu tư trong giai đoạn tiếp theo thì cần có rà soát, đánh giá để bổ sung ngay các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm tránh các nguy cơ ùn tắc và tai nạn.

Đồng thời có nghiên cứu kỹ lưỡng về lưu lượng giao thông, về cơ sở hạ tầng để đề xuất đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn nhằm mở rộng thành các tuyến cao tốc đủ tiêu chuẩn trong thời gian tới.

Mong mỏi của nhiều người tham gia giao thông là những cao tốc hai làn xe vừa qua vì lý do nguồn vốn hạn chế và đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, sẽ sớm được hoàn chỉnh đảm bảo quy mô theo đúng quy hoạch, để nó trở thành đúng nghĩa là đường cao tốc.