Lo ngại mất an toàn khi taxi hết niên hạn sử dụng thành xe cá nhân

VOVGT- Một số phương tiện cá nhân có xuất xứ từ xe taxi khi hết niên hạn quay trở lại kinh doanh vận tải dưới dạng xe hợp đồng, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sau khi taxi hết niên hạn sử dụng, các doanh nghiệp thanh lý xe taxi thành xe cá nhân, xe dân sự. (Ảnh: Dân trí)

Theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe vận tải hành khách bằng hợp đồng không phải quy định niên hạn.

Trong khi đó, xe taxi tại các đô thị đặc biệt được quy định niện hạn là 8 năm và các thành phố khác là 12 năm. Đặc biệt, với phương tiện cá nhân dưới 9 chỗ hiện không quy định về niên hạn sử dụng nên xe taxi hết niên hạn sử dụng thường được bán thanh lý để trở thành phương tiện cá nhân.

Thừa nhận thực tế này, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe ô tô dưới 9 chỗ không quy định niên hạn.

Do vậy, sau khi taxi hết niên hạn sử dụng, các doanh nghiệp thanh lý xe taxi thành xe cá nhân, xe dân sự thông thường là hợp lệ.

>>> Cơ sở nào quy định niên hạn phương tiện vận tải?

Theo ông Hệ, những phương tiện này sau khi kiểm định đảm bảo an toàn vẫn được tiếp tục hoạt động. Thậm chí, do Nghị định 86 không quy định niên hạn sử dụng với xe hợp đồng, nhất là xe dưới 9 chỗ ngồi nên việc xe taxi hết niên hạn sử dụng trở thành xe cá nhân, xe kinh doanh vận tải hành khách bằng hợp đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Hệ nói: “Nghị định 86 không quy định xe hợp đồng là bao nhiêu tuổi, nhất là đối với xe con. Nếu cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh dạng hợp đồng thì vẫn được và việc kinh doanh hay không là thuộc cơ quan quản lý vận tải.

 

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, không chỉ sử dụng làm xe kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng, hiện tại xe hết niên hạn sử dụng tại Hà Nội còn được chuyển về các tỉnh, tiếp tục hoạt động dưới hình thức taxi. Như vậy, không ít phương tiện taxi hết niên hạn sử dụng tại Hà Nội tiếp tục trở thành phương tiện kinh doanh vận tải hành khách.

Việc xe cá nhân được sử dụng vào mục đích làm phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cần được xem xét lại (Ảnh: Báo Lao động)

Theo ông Bình, đó là một nghịch lý: “Ông cấm ông nọ bởi đi không an toàn, nhưng loại hình kia lại đi lại cho là an toàn. Cái thứ 2, khi chuyển thành xe hợp đồng ông lại cho chạy, tóm lại, một số xe hợp đồng không bằng ông kia. Tóm lại, khách tự dưng lại chia thành mấy loại người. Cái đấy là một nghịch lý, vô lý.”

 

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc quy định niên hạn với xe taxi là hợp lý vì phương tiện kinh doanh vận tải bằng taxi hoạt động với tần suất rất lớn, nhất là tại các đô thị đặc biệt.

Do vậy, hết niên hạn sử dụng đối với xe taxi, có thể chuyển thành phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc xe cá nhân được sử dụng vào mục đích làm phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cần được xem xét lại.

>>> Hà Nội đề xuất tăng phí thuê lòng đường, vỉa hè gấp 3 lần

Ông Thanh nói: “Khi anh lại đăng ký trở về cái kinh doanh theo hợp đồng là phải hết sức thận trọng. Nghị định tới đây cũng phải xem xét cái này, có nên cho tiếp tục kinh doanh bằng xe hợp đồng hay không. Tôi không lo ngại về an toàn khi phương tiện sử dụng thành xe cá nhân, nhưng tôi lo ngại nó quay lại thành xe hợp đồng, mà xe hợp đồng hiện nay quy định còn tương đối lỏng lẻo.”

 

Từ thực tế nêu trên một số ý kiến cho rằng, để tạo sự công bằng giữa các loại hình vận tải, phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng cũng cần được quy định chặt chẽ.

Mặc dù cơ quan đăng kiểm khẳng định, xe phải đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp chứng nhận đăng kiểm, song như quy định hiện hành, những phương tiện taxi hết niên hạn sử dụng hoàn toàn có thể tiếp tục quay trở lại hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dưới dạng xe hợp đồng.