Lo ngại chất lượng xe buýt xã hội hóa

VOVGT - Loại hình xe buýt xã hội hóa đang để lại không ít lo ngại về chất lượng phục vụ, chất lượng phương tiện, thậm chí không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Hiện nay toàn thành phố có gần 20 tuyến xe buýt hoạt động theo hình thức xã hội hóa và có gần 10 doanh nghiệp tham gia. Sự tham gia của các doanh nghiệp xã hội hóa góp phần quan trọng vào việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia giao thông bằng xe buýt.

Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc xã hội hóa đầu tư vào mạng lưới xe buýt. Đến nay, những tuyến xe buýt được đầu tư theo hình thức xã hội hóa đã đóng góp nhất định vào việc vận chuyển hành khách trên địa bàn Thủ đô.

Ông Linh cho biết thêm: Nhờ xã hội hóa, nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư về phương tiện, về bộ máy quản lý và trong quá trình vận hành các doanh nghiệp chỉ hưởng một phần trợ giá từ Nhà nước để đảm bảo sự vận hành của doanh nghiệp, góp phần giảm phương tiện cá nhân lưu thông trên địa bàn.

Ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Linh:

 

Tuy nhiên, trên một số tuyến xe buýt ngoại thành, chất lượng dịch vụ rất đáng lo ngại. Cụ thể, trên Quốc lộ 21B, tuyến buýt 75 có lộ trình từ bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình - chùa Hương, dù là buýt nhưng xe vừa chạy, vừa mở cửa để đón khách. Nhiều xe tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách, hàng hóa. Thậm chí, có xe còn chạy vòng vo, dừng đỗ khá tùy tiện, thậm chí bỏ chuyến, bỏ bến…

Xe buýt số 75 Yên Nghĩa - Hương Sơn hoạt động trên trục QL 21B đã nhiều năm nay. Ảnh: Kinh tế đô thị

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, nếu các doanh nghiệp xã hội hóa không đồng đều về năng lực sẽ dẫn đến tình trạng những doanh nghiệp nhỏ bé không đầu tư được theo đúng tiêu chuẩn về xe buýt, cho nên phương tiện bị xuống cấp.

Do vậy, để khắc phục tình trạng phương tiện xuống cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ, ông Thông cho rằng, Thành phố phải đưa ra những tiêu chuẩn cho phương tiện vận tải công cộng, tiêu chuẩn cho đội ngũ người phục vụ, người điều hành, tiêu chuẩn cho hệ thống cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp để tạo ra mặt bằng chung về chất lượng phương tiện, dịch vụ xe buýt xã hội hóa.

Ông Thông nêu quan điểm: Chính quyền thành phố phải đưa ra được các quy chuẩn để mọi đối tượng tham gia vào hệ thống này cùng có một mặt bằng về chất lượng con người, chất lượng phương tiện và sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên Kênh VOVGT Quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cũng cho biết, các xe buýt đều phải tuân thủ một quy chuẩn chung cho xe buýt đô thị nên không có sự phân biệt giữa các loại hình này.

Nội dung cuộc trao đổi tại đây: