Liên tục giãn tiến độ, giao thông công cộng cần cách tiếp cận khác

Những dự án giao thông công cộng ở các thành phố lớn của chúng ta liên tục giãn tiến độ, đến mức người dân chỉ còn biết hy vọng vào một phép màu mới có thể cải thiện khả năng di chuyển của mình.

Nhưng phép màu thì sẽ chỉ là ước mơ, nên chúng ta cần phải nghĩ đến những cách tiếp cận khác cho giao thông công cộng.

Sẽ không ai nghi ngờ, nếu tôi nói rằng, Hà Nội và TP.HCM nằm trong số các thành phố có tốc độ di chuyển của người dân đô thị chậm nhất thế giới.

Thật ra đây không phải là cái gì đó mới mẻ, và Hà Nội tất nhiên cũng có những “người bạn” ngang hàng với mình, ví dụ, thủ đô Manila của Philippines hay Bangkok (ở thời điểm vài năm trước đây).

Có lẽ chúng ta không khó khăn để nhận thấy, tốc độ di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc hay đi các nơi khác nhau trong thành phố chậm lại như thế nào?

Và tôi nghĩ lý do chính, khiến tốc độ di chuyển mỗi ngày một chậm như vậy, nó nằm ở các đô thị của chúng ta hầu như đáp ứng được rất ít nhu cầu đi lại của người dân bằng các phương tiện công cộng có khối lượng vận chuyển lớn, ví dụ như: tàu điện ngầm, đường sắt đô thị hay các tuyến xe buýt chuyên dụng.

Nhìn lại một chút trong lịch sử, tại TP.HCM, ngày 4/8/2003, trong quyết định số 568, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch thành phố. Trong đó, thành phố sẽ có 225,5 km đường sắt đô thị, cùng 175 nhà ga.

Sau khi được phê duyệt, năm 2008, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên là Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km được khởi công, với kỳ vọng có thể hoàn thành sau khoảng 10 năm, tức là năm 2017.

Lúc đầu, tuyến đường sắt này dự kiến xây dựng với chi phí là 17.000 tỷ đồng, nhưng hiện đã bị đội vốn lên gấp gần 3 lần, với mức 47.000 tỷ đồng, năm dự kiến hoàn thành đã lùi từ 2017 sang 2018, 2020, 2022, rồi người ta đang nói đến con số 2024.

Nhưng chúng ta cũng không chắc chắn được về thời điểm cuối cùng, bởi hiện nay đang diễn ra một loạt sự cố của các gối dầm và những cuộc tranh cãi giữa chủ đầu tư, cơ quan quản lý với nhà thầu.

Với Hà Nội, theo quy hoạch cũng sẽ có 318 km đường sắt đô thị, nhưng hiện nay mới chỉ có một tuyến đi vào hoạt động, đó là tuyến Cát Linh - Hà Đông với 13,5 km.

Còn tuyến thứ hai từ ga Hà Nội đi Nhổn 12,5 km, thì sau khi đã đội vốn từ 783 triệu euro lên 1,17 tỷ euro; và theo đề xuất gần đây nhất, đã tăng thêm gần 4.000 tỷ, tức là lên khoảng 1,37 tỷ Euro, con số gần gấp đôi so với vốn dự kiến ban đầu. Và năm hoàn thành đã được điều chỉnh tận tới năm 2029.

Tức là 20 năm sau khi các bản quy hoạch được phê duyệt, ở cả hai đô thị lớn nhất, mặc dù số dân đã tăng lên rất nhanh và không hề dừng lại, thì đường sắt đô thị của chúng ta vẫn chưa hoàn thành nổi 10% của cái quy hoạch đó.

Chúng ta thôi không nói về công tác quản lý hay công tác thực hiện, nhưng có một chuyện rất là rõ ràng, là nhu cầu giao thông, nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân đã không thể được đáp ứng.

Và chúng ta cũng không thể kỳ vọng một phép màu nào đó, giúp chúng ta có thể xây dựng, hoàn tất được một phần cơ bản của hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 5 hay 10 năm tới.

Nó sẽ có rất nhiều thứ để ngăn cản chúng ta, cả về nhu cầu vốn đầu tư, lẫn khả năng quản trị dự án.

Rõ ràng, một trong những lực cản lớn đối với việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đó là việc xây dựng trong nội đô hiện hữu gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, trong thi công và rất nhiều khó khăn phát sinh khác không được dự liệu trong quá trình lập dự án và tính toán quy mô, dẫn đến chuyện các dự án bị đình trệ.

Tôi nghĩ, bây giờ là lúc các cấp có thẩm quyền, chính quyền các thành phố sẽ cần phải nghĩ nhiều hơn đến những cách tiếp cận khác.

Ở một số thành phố trên thế giới, song song với nỗ lực triển khai các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến vận tải lớn trong nội đô, họ luôn phát triển các tuyến kết nối các trung tâm mới với nội đô, để từ đó giãn dân cư ra các khu mới.

Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, để phát triển được thành phố Songdo, một trong những việc mà chính quyền cam kết với các nhà phát triển dự án, đó là họ xây dựng một tuyến tàu điện ngầm để nối thành phố mới Songdo, gần sân bay Incheon với Seoul.

Việc đó giúp người dân có thêm sự lựa chọn, thay vì bị kẹt trong Seoul, thì họ giãn ra Songdo – nơi có điều kiện sống tốt và vẫn có thể kết nối với thủ đô.

Đối với Hà Nội và TP.HCM cũng như vậy. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần phải tính đến một hay một số cách tiếp cận mới, cùng với việc phải tiếp tục phát triển hệ thống giao thông công cộng, để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân cư trong các thành phố này.

Tôi nghĩ đó là một thứ cần thiết phải quan tâm, phải nghĩ đến từ lúc này.