Làng nghề đóng ghe xuồng: Vàng son một thuở

Thành phố Ngã 7, tỉnh Hậu Giang từ lâu không chỉ được biết đến là nơi hội tụ của 7 dòng sông, nơi có Chợ Nổi tuổi đời hơn thế kỷ, mà còn nổi tiếng với làng nghề đóng ghe, xuồng vàng son một thuở.

NHỊP SỐNG PHỒN THỊNH

Theo nhiều bậc cao niên, làng nghề đóng ghe xuồng Ngã Bảy hình thành vào đầu thế kỷ 20. Thoạt đầu, có vài ba hộ cất trại theo nghề, dần dà trở thành xóm nghề nức tiếng gần xa. Cùng với Chợ nổi Ngã Bảy phồn thịnh ngày ấy, làng nghề ghe, xuồng cứ thế, ăn nên làm ra giúp nhiều hộ có của ăn, của để.

Nghề đóng ghe, xuồng hưng thịnh nhất trong khoảng chục năm từ 1976 – 1986. Bà con ở Ngã Bảy kể, hồi đó, ở đây có gần trăm cơ sở thu hút hàng ngàn thợ lành nghề. Tiếng đục, đẽo, cưa, bào vang lên khắp làng trên, xóm dưới. Nghe riết thành quen, thứ âm thanh ấy trở thành nhịp sống không thể thiếu ở đây. 

Đóng ghe, xuồng chủ yếu thủ công nên để làm một sản phẩm phải mất mấy tháng. Sau này, với sự hỗ trợ của máy móc, năng suất cũng tăng lên. Và như thế, hàng chiếc xuồng, ghe lớn nhỏ nối đuôi nhau xuất bến, xuôi ngược khắp nẻo ền Tây. 

Ông Nguyễn Văn Lộc, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Thời điểm trước đóng nghe xuồng chủ yếu thủ công lao, chưa có cưa máy, bào máy, đóng 1 chiếc 4-5 tháng mới xong. Bây giờ đóng tiến độ nhanh gấp đôi, nhờ có máy móc hỗ trợ.

Từ 1976 – 1986, tại Chợ Nổi có gần trăm cơ sở thu hút hàng ngàn thợ lành nghề

Hồi xưa, mùa nước nổi hàng năm được coi là thời điểm “hái ra tiền” của dân làm nghề. Ghe, xuồng được ví như đôi chân của người dân vùng sông nước, nên nhà nào cũng ráng sắm cho mình một, hai chiếc làm “cần câu cơm”. 

Bà Lê Thị Thu Cúc, Phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy kể lại: 'Hồi đó xe cộ không có nhiều, rồi đường đi, đường sá, lộ không có. Rồi bây giờ, mỗi gia đình phải mua 1 chiếc hoặc 2 chiếc, có thể rộng rãi mua 3 chiếc nữa'.

Vô mùa, cơ sở nào cũng tất bật ngày đêm. Cơ sở nào cũng ráng làm cho chất lượng, mẫu mã đẹp chiều lòng khách, cũng là cách để “giữ mối”. 

Ông Thái Sơn Hùng người làng nghề chia sẻ: 'Mình phải đóng đồ cho khách hàng, mẫu mã đẹp, tốt, giá vừa phải thì khách hàng mới tìm tới mình, làm không đẹp, giá cao thì người ta cũng đâu tìm đến mình.

Sản phẩm chủ lực của các trại ghe, xuồng Ngã Bảy là xuồng 3 lá, 5 lá, các loại ghe trọng tải từ 20 giạ đến 25 giạ (khoảng 400 - 500 kg) cho đến 250 giạ (khoảng 5 tấn). Trong đó, mặt hàng được bán chạy và nổi tiếng nhất là xuồng “năm quăng”.

Tuy nhiên, nhịp sống ngày càng phát triển, thị trường tiêu thụ xuồng, ghe bị thu hẹp

'SỰ TÍCH' XUỒNG 'NĂM QUĂNG'

Ông tổ của loại xuồng này là ông Dương Văn Lạc, bà con trong vùng gọi là ông Hai Lạc, sinh năm 1954 tại ấp Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

Người dân làng nghề kể, hồi đó, thấy bà con mình nghèo quá, ghe xuồng mắc mỏ hỏng có tiền mua. Vậy là ông thiết kế bằng cây vườn như: xoài, bạch đàn, sầu riêng. ..Loại xuồng chỉ xài một năm là "quăng" nên được nhiều người ủng hộ. Tên xuồng "năm quăng" cũng bắt nguồn từ đó. 

Không đơn giản là sản phẩm “mì ăn liền”, xuồng “năm quăng” còn được trân trọng bởi bao hàm trong nó giá trị văn hóa sâu sắc. Nguyên liệu dễ tìm, giá cả vừa túi tiền những người khó khăn nên họ có thể sắm làm kế sinh nhai. Còn gia đình nào đông người mà “ngán” tiền thì đây cũng là sự lựa chọn ưu tiên.

Theo những người thợ lành nghề, xuồng “năm quăng” dễ học với thanh niên nông thôn. Chỉ cần chịu khó và siêng năng thì không tới 3 tháng là có thể tự tay làm được một chiếc xuồng “năm quăng”. Nghề này nam nữ gì cũng có thể tham gia, nếu cánh nam phải cưa xẻ, bào gọt hay đóng đinh thì cánh nữ cũng có thể làm nhiệm vụ trám, trét để hoàn thiện sản phẩm.

Nhịp sống ngày càng phát triển, thị trường tiêu thụ xuồng, ghe bị thu hẹp, nguồn gỗ cũng không còn phong phú như xưa. Ngoài ra, việc xuất hiện xuồng, ghe làm bằng composite nhẹ, đẹp, bền cũng lấy đi thị phần không nhỏ. Làng nghề đóng ghe, xuồng ở Ngã Bảy cũng giảm dần độ sung túc.

Bà Tống Lệ Thủy, phường Hiệp Thành, Thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang cho biết: 'Thị hiếu bây giờ bà con thích xài hàng composit nhiều hơn, vì nó nhẹ, không có mắc sảm, trét đồ nữa. Giá so lại với hàng gỗ thì nó rẻ hơn nhiều mà chất lượng thì gấp đôi. Xuồng Composite bảo hành tới 20 năm, nhiều công ty bảo hành trọn đời, thành ra bà con thích sử dụng'.

Trước những thách thức của lịch sử, vẫn nhiều người cố gắng giữ nghề, sáng tạo và thích nghi với tình hình mới

Trước những thách thức của lịch sử, nhiều chủ trại ghe, xuồng đã tìm giữ nghề. Họ chọn chuyển sang đóng tàu ghe lớn, tàu chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ có trọng tải hàng trăm tấn, sáng tạo và thích nghi với tình hình mới.

Ông Nguyễn Văn Lộc, ở xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, bày tỏ: 'Tôi mong muốn cho nó tồn tại chứ, cái nghề này từ hồi đó tới giờ mà, hồi thời ông cha tôi tới giờ mà. Bây giờ, tôi lớn tuổi, tôi không còn làm nữa thì thằng con tôi nối tiếp'

Về Ngã Bảy giờ đây, âm thanh đục đẽo rộn ràng của ngày xưa đã không còn như trước nhưng có lẽ cái cảm giác được ngồi coi bào gỗ, trét si ghe, xuồng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người con xa xứ.

Gìn giữ và nâng tầm làng nghề ghe, xuồng làm du lịch cũng là mong mỏi của nhiều người để truyền dạy cho thế hệ mai sau về cách làm ra những phương tiện mà ông cha ta đã dùng để đi qua những ngày gian khó.