Kiểm tra sức khỏe tài xế hiệu quả và thực chất (Bài 4): Hoàn thiện quy định, siết chặt thực thi

VOVGT - Không ít trường hợp lái xe không đảm bảo sức khỏe, thậm chí sử dụng chất kích thích vẫn điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Mặc dù quy định hiện hành đã đề cập việc kiểm tra sức khỏe tâm thần của lái xe cũng như quy trình kiểm tra sức khỏe định kỳ với đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, song rất nhiều trường hợp doanh nghiệp vận tải và lái xe chưa tuân thủ quy trình này.

Do vậy, không ít trường hợp lái xe không đảm bảo sức khỏe, thậm chí sử dụng chất kích thích vẫn điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Phải làm gì để siết chặt quy định kiểm tra sức khỏe với người lái?

Cần siết chặt việc kiểm tra sức khỏe người học trước khi được cấp bằng lái

>>> Kiểm tra sức khỏe tài xế hiệu quả và thực chất (Bài 1): Chưa quan tâm đúng mức

>>> Kiểm tra sức khỏe tài xế hiệu quả và thực chất (Bài 2): Có nên quy định nhóm bệnh và độ tuổi tái khám định kỳ?

Phân tích quy trình kiểm tra sức khỏe lái xe hiện tại từ khâu đào tạo, sát hạch đến khi hành nghề, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Phó trưởng khoa tâm lý, Đại học An ninh Nhân dân Tp.HCM cho rằng, việc khám, giám định sức khỏe định kỳ đối với lái xe kinh doanh vận tải đã được quy định tại Thông tư số 24 liên ngành giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT.

Tại thông tư này cũng quy định rõ các tiêu chuẩn sức khỏe đối với các hạng giấy phép lái xe. Tuy vậy, ngay từ khâu sát hạch, cấp bằng lái, việc kiểm tra sức khỏe thực hiện từ còn rất nhiều sơ hở.

Nhiều trung tâm đào tạo lái xe để sẵn phiếu khám sức khỏe có đóng dấu của bệnh viện. Như vậy, đây có sự mua bán và hầu như không có sự kiểm tra gì, hoặc nếu có đi đến bệnh viện kiểm tra, thì việc khám cũng rất sơ sài và những thông số sức khỏe thì hầu như bệnh viện bỏ qua. Do vậy, trước hết cần siết chặt việc kiểm tra sức khỏe người học trước khi được cấp bằng lái.

Còn với tài xế khi đã được cấp bằng lái thì chủ doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, kiểm soát giờ làm việc của tài xế. Đối với các lái xe, cần tự biết bảo vệ sức khỏe của mình, việc kiểm tra sức khỏe không chỉ do các cơ quan chức năng, không chỉ kiểm tra đầu vào mà kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình hoạt động của tài xế.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho rằng, cần bổ sung thêm kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với hạng cao hơn như tài xế chạy container, xe khách đường dài và việc kiểm tra này nếu chúng ta chỉ làm hình thức thì cũng không đem lại hiệu quả.

Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho biết:

 

"Các nơi khám và khẳng định có đủ sức khỏe hay không là các bệnh viện thì cũng làm rất qua loa, thậm chí tôi biết một số trung tâm là không cần đi khám sức khỏe, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn là có giấy khám sức khỏe rồi tự tài xế muốn điền gì thì điền và tài xế muốn làm gì thì làm. Do đó, việc khám sức khỏe cho tài xế hiện đang bị buông lỏng. Vấn đề chính không phải là quy định, mà là các cơ quan chức năng có liên quan phải làm nghiêm túc vấn đề này và phải đặt ra yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Đoàn luận sư Tp.HCM cũng cho rằng, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đã được quy định, song cần thực hiện nghiêm, đặc biệt là với những nhà xe điều động lái xe và phải chịu trách nhiệm với lái xe khi mà gây ra tai nạn.

Cụ thể, theo Điều 263 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã quy định tội điều động những người không đủ sức khỏe điều kiện phương tiện giao thông đường bộ, tức là người có thẩm quyền biết rõ tài xế không đủ sức khỏe để điều khiển phương tiện nhưng vẫn thực hiện điều động thì bị phạt tiền đến 100 triệu đồng và xử lý hình sự và phạt tù 3 năm không giam giữ hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

 

"Nhiều doanh nghiệp khi tổ chức cho lái xe đi khám, chữa bệnh, đặc biệt là lái xe phục vụ công cộng, xe container, chúng ta làm còn hời hợt mặc dù các quy định của chúng ta một trong những vấn đề là phải khám một cách toàn diện. Ví dụ lái xe nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 và khám tâm thần, đặc biệt là khám xem có các chất kích thích khác trong cơ thể hay không. Vấn đề này chúng ta làm không nghiêm túc, do đó chúng ta phải siết lại vấn đề này".

>>> Kiểm tra sức khỏe tài xế hiệu quả và thực chất (Bài 3): Nhiều kẽ hở trong quy trình kiểm tra định kỳ?

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá – Du lịch cũng cho rằng, với tài xế, cứ mỗi năm phải kiểm tra sức khỏe định kỳ một lần để giúp người lao động có sức khỏe làm việc lâu dài. Bởi thực tế, nhiều trường hợp tài xế thấy khỏe là vẫn lái xe, nhưng không có tích lũy sức khỏe dễ gây ra ảo giác về tư tưởng và tâm thần.

Bên cạnh đó, phải ràng buộc trách nhiệm đơn vị y tế có nhiệm vụ khám sức khỏe cho mỗi tài xế, vì không ít trường hợp do chủ quan, dễ dãi mà bỏ lọt tài xế nghiện ma túy.

 

"Chúng ta phải thật sự đưa y tế vào trách nhiệm trong lao động, đặc biệt là trong ngành lái xe. Điều này là bắt buộc phải làm, nếu không chúng ta không thể theo kịp thế giới và hậu quả nặng nề chúng ta thấy đang xảy ra".

Các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới quy định rõ việc giám sát sức khỏe định kỳ và giám sát sức khỏe trong những tình huống đặc biệt, còn gọi là giám sát sức khỏe bất thường.

Theo đó, bất cứ lúc nào, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng có thể giám sát sức khỏe của tài xế. Theo một số ý kiến, điều này cần sớm được đưa vào luật, góp phần đảm bảo an toàn cho tài xế và người tham gia giao thông khác.