Kiểm soát khí thải xe máy: Tránh câu chuyện có luật nhưng khó thực thi

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện nay. Tuy nhiên, nhà nước cần được tính toán kỹ càng, để đảm bảo lợi ích của người dân, tránh câu chuyện có luật nhưng khó thực thi.


Câu chuyện kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đã được nhiều lần nhắc đến nhưng vẫn chưa được thực hiện thực chất. Nhìn thẳng vào thực tế vấn đề ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn hiện nay thì vấn đề kiểm soát khí thải xe cơ giới, đặc biệt là xe máy là rất cần thiết.

Thử đặt trong hoàn cảnh vô tình đi sau những xe máy, xe thô sơ xả khói đen ngòm kèm theo mùi khét cực kỳ khó chịu, cộng thêm cảnh ùn tắc giao thông, khiến người đi đường vô cùng mệt mỏi.

Không chỉ xe máy cũ, xe thô sơ mới gây ra phát thải khí ô nhiễm, ngay cả xe mới mua nhưng nếu không được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên cũng sẽ phát sinh khí thải.

Trong khi lực lượng chức năng khó có điều kiện để xử lý, do chưa có tiêu chuẩn, quy định ràng buộc cụ thể để xử phạt các loại xe máy, xe thô sơ không đảm bảo phát thải này. Đây là một lỗ hỗng mà pháp luật hiện nay còn bỏ trống.

Đề xuất kiểm soát khí thải mô tô, xe máy định kỳ của Bộ Giao thông vận tải vừa qua là phù hợp trong bối cảnh lượng xe cá nhân ngày càng tăng cao; nhất là xe công cộng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, trong khi xe máy cũ, xe quá niên hạn vẫn được người dân sử dụng từ thành thị đến nông thôn.

Chính vì lẽ đó, đề xuất nhận được nhiều sự đồng tình từ các Bộ ngành và người dân. Vấn đề còn lại là công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt cần thực hiện chặt chẽ.

Đặc biệt là phải có quy chuẩn cụ thể và giải pháp xử lý phù hợp cho từng loại phương tiện như xe cũ nát, xe hết niên hạn, thậm chí xe mới vận hành nhưng lại gây phát thải phải xử phạt ra sao…, cần được quy định rõ ràng trước khi đi vào cuộc sống.

Bởi chủ trương này tác động lớn đến xã hội, dân sinh; rất rõ ràng là dù xe máy có cũ nát vẫn là tài sản và là phương tiện mưu sinh thiết yếu của đa số lao động nghèo. Nếu bị xử phạt, họ sẳn sàng từ bỏ phương tiện, thay vì bảo dưỡng, bảo trì theo quy định.

Do đó, nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ, để người dân chuyển đổi phương tiện mới. Riêng những trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm, không vị tha, nhúng nhường.

Muốn vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu góp ý của các bên liên quan, ý kiến rộng rãi của nhân dân, để xây dựng dự luật đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, không qua loa lấy lệ. Trong đó, cơ chế giám sát cần phải chặt chẽ, để việc xử phạt được nghiêm nh, không lợi dụng quy định gây nhũng nhiễu, tiêu cực cho nhân dân.

Đồng thời cần có sự đánh giá, đo đếm hiệu quả trong quá trình áp dụng, cũng như công bố công khai kết quả thực hiện để người dân nắm và ủng hộ.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần hiểu rõ, việc sử dụng phương tiện cũ không những gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe còn gây hại đến môi trường. Vì thế đã đến lúc mọi người cần nói không với xe máy cũ, để hướng đến môi trường sống lành mạnh và an toàn hơn.