Kiểm soát giá, đừng "đẩy bóng” cho dân

Nhiều ý kiến cho rằng, tâm lý của người kinh doanh bao giờ cũng giữ giá nên dù giá xăng dầu đã giảm mà người tiêu dùng không có phản ứng thì chắc chắn người bán hàng sẽ không tự động giảm. Tuy nhiên, người dân không có đủ cơ sở, thông tin để phản ứng phù hợp mà cần vai trò của Nhà nước.

Ảnh nh hoạ

Để kéo giảm được giá xăng gần 7.000 đồng/lít so với mốc lịch sử thiết lập ngày 21/5, ngoài những diễn biến theo đà giảm của giá dầu thế giới, đó trước tiên và trên hết là kết quả của nỗ lực chỉ đạo điều hành từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ ngành.

Những giải pháp về thuế, phí được tính toán, cân nhắc tối đa, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, giá xăng dầu trong nước đã giữ được đà tăng chậm hơn so với thế giới, và bắt đầu hạ nhiệt nhờ giảm thuế phí, nhất là giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường.

Những tưởng người dân, doanh nghiệp đỡ khó hơn khi xăng dầu hạ nhiệt, nhưng điều đó đã không xảy ra sau 3 lần liên tiếp giảm giá mặt hàng này, với mức giảm tổng cộng 5000 đến 6000 đồng.

Các giải thích về độ trễ của chính sách có thể có lý, nhưng nó chỉ có thể chấp nhận với lần giảm đầu tiên. 3 lần giảm theo chu kỳ điều tiết 10 ngày, tức là 1 tháng sau mà chính sách chưa “ngấm”, rõ ràng không ổn.

Các chuyên gia trước đó đã lên tiếng rằng, với từng mức giảm của giá xăng dầu, căn cứ trên cấu thành chi phí đầu vào, cơ quan quản lý giá có thể ước tính được mức giảm tương ứng của các loại hàng hóa dịch vụ trong rổ hàng hóa, để từ đó công bố cho thị trường. Tuy nhiên, chưa hề có công bố nào được đưa ra.

Lý giải của một số chủ cung ứng dịch vụ hàng hóa rằng, chưa giảm được giá bán vì giá thành vẫn cao, do phí nhân công tăng, vật tư tăng… Điều đó có thể, nhưng không thuyết phục, vì không đi kèm con số bóc tách mức  tăng của các chi phí đầu vào khác ngoài xăng dầu. Cũng chính là họ, khi xăng dầu leo thang, từng khẳng định xanh rờn, rằng đây là lý do chính yếu buộc phải tăng giá bán.

Người tiêu dùng lạc giữa mê trận giá cả, không biết hỏi ai. Người bán hàng ngoài chợ vẫn lắc đầu, phải bán theo giá lấy vào. Người nông dân trồng cấy chưa hề  thông báo tăng giá lên (trừ thịt heo do biến động của thức ăn chăn nuôi). Trong khi cước vận chuyển đương nhiên phải giảm theo xăng dầu.

Vô lý hơn, ngay cả các hàng hóa dịch vụ chịu tác động trực tiếp và chủ yếu của xăng dầu cũng trơ trơ trước giá xăng.

Nghịch lý tồn tại qua 3 nhịp điều chỉnh khiến những háo hức, mong chờ ban đầu của người dân bị mòn dần.

Họ vẫn băn khoăn, nhưng không còn thắc mắc nhiều khi đi chợ, vì ngại phải nhận câu trả lời: “lên Tivi mà hỏi”.

Niềm tin của người tiêu dùng vào các mắt xích trong sản xuất, cung ứng cũng bị giảm đi, khi họ nghi hoặc lẫn nhau, không biết giá đã bị neo, bị đẩy ở khâu nào.

Nhưng thiệt hại lớn hơn, đó là khi, niềm tin vào vai trò điều tiết thị trường bị giảm sút.

Chẳng những các nỗ lực chỉ đạo điều hành, các biện pháp hi sinh một phần nguồn thu ngân sách để giữ ổn định thị trường, “khoan thư sức dân” để vượt qua những thời điểm khó khăn nhất …sẽ khó phát huy hiệu quả, thậm chí uổng phí, nếu không giúp hạ nhiệt thị trường.

Cái gì đã khiến giá cả thị trường đứng ngoài, thậm chí tỉ lệ nghịch với diễn biến giá xăng ?

Trách nhiệm trả lời câu hỏi này thuộc về các cơ quan quản lý giá. Các cuộc khảo sát kiểm tra cần được tiến hành thường xuyên trước mỗi nhịp biến động của giá xăng dầu, để đánh giá, giám sát mức tăng giảm tương ứng của thị trường hàng hóa có phù hợp, thỏa đáng hay không.

Các dự báo về mức tăng/giảm đó cũng hoàn toàn có thể đưa ra từ trước, tương ứng với dự báo về mức biến động của giá xăng dầu, để thị trường tham chiếu.

Thị trường có những quy luật vận hành của nó. Tất nhiên khi giá cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, điều chỉnh cơ cấu mua sắm, thì người sản xuất, phân phối cũng chịu thiệt vì ế ẩm và có thể buộc phải thay đổi phần nào. Nhưng kêu gọi người tiêu dùng tỏ thái độ để thay đổi thị trường thay vì  sử dụng các biện pháp quản lý giá là một cách đẩy cái khó cho người dân, và đá quả bóng trách nhiệm.

Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, người dân đã nhìn thấy cơ hội được nh bạch giá cả, xem cái gì đáng ra phải giảm, và có thể giảm được bao nhiêu.

Phần còn lại là tổ chức thực hiện của các bộ ngành, các cơ quan quản lý thị trường, để cụ thể và hiện thực hóa những thông số đó./.