Không thể thờ ơ, chủ quan

Những ngày qua, khắp trong Nam, ngoài Bắc; ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả rất thương tâm. Cuộc chiến với “ giặc lửa” ngày càng khốc liệt, kèm theo các mất mất đớn đau, không gì có thể thay thế vì sinh mạng con người là quý giá nhất.

Những ngày qua, khắp trong Nam, ngoài Bắc; ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy để lại hậu quả rất thương tâm; gây rung động.

Nhiều người tử vong, kể cả lực lượng chuyên nghiệp là cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Hy sinh của họ là vô cùng lớn lao, không thể kể hết vì sự sống và bình yên của nhân dân. Cuộc chiến với “ giặc lửa” ngày càng khốc liệt, kèm theo các mất mất đớn đau, không gì có thể thay thế vì sinh mạng con người là quý giá nhất.

Vấn đề lúc này là mỗi người chúng ta khi đã nhìn nhận rõ nguyên nhân, thực hiện nhiều biện pháp nhưng vì sao vẫn để xảy ra các vụ cháy lớn, khiến nhiều người thiệt mạng đến vậy? Câu trả lời đầu tiên vẫn là ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý và mỗi người, mỗi gia đình trong việc thực hiện các hành động cụ thể để phòng cháy chữa cháy.

Những hành vi nhỏ nhất như thắp nhang quên không tắt; đốt vàng mã thiếu kiểm soát; hệ thống điện trong gia đình xuống cấp, cũ kỹ không được thay thế. Thợ hàn xì thao tác không an toàn, hay chất chứa nhiều đồ dễ cháy trong nhà. Khi cháy không có lối thoát hiểm.

Cơ quan, công sở, xí nghiệp dễ dãi, lơ là trong đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Cơ quan quản lý nhiều nơi chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến, thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Trong khi chế tài, quy định cũng thiếu thống nhất, đôi khi chồng chéo và không được thực thi nghiêm túc, khiến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy thì nhiều nhưng triển khai trên thực tế còn ít hoặc làm qua loa, chiếu lệ. Bình chữa cháy không đủ hóa chất, vòi phun nước không có nước vv…

Đây là thực trạng đang diễn ra, khá phổ biến. Chưa kể các thao tác bình tĩnh,linh hoạt, xử lý tình huống khi đối diện với lằn ranh sinh tử của đa số mọi người khi cháy xảy ra đều không được trang bị và huấn luyện; nhiều người thờ ơ, chủ quan, không tự học hỏi.

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia phòng cháy chữa cháy, khi đám cháy lớn xảy ra, thời gian vàng để một nạn nhân có thể thoát được là khoảng 10 phút trở lại. Quá thời gian này, đám cháy, vật liệu cháy sẽ tạo ra các khí độc khiến người trong đám cháy khó có khả năng vùng vẫy, thoát ra.

Việc đơn vị chuyên nghiệp mang xe cứu hỏa để giải thoát nạn nhân là rất hiếm vì việc triển khai đội hình nhanh nhất cũng vài chục phút, chưa kể không phải nơi nào đường sá cũng thuận lợi để xe có thể tiếp cận.

 Nói điều này để thấy, đối phó với giặc lửa là một hệ thống các kỹ năng mềm từ ý thức tâm thế thường trực trong mỗi người, mỗi đơn vị. Luôn luôn hiểu rằng nhà mình, cơ quan, đơn vị mình có thể xảy cháy bất cứ lúc nào để có hướng đề phòng, cảnh giác.

Bên cạnh đó là sự trang bị về công cụ, dụng cụ như bình chữa cháy, chuông báo động để sẵn sàng dập tắt ngay từ lúc đám cháy mới phát sinh; chủ động có lối thoát hiểm lúc nguy nan. Các yêu cầu này cần phải tự trang bị đáp ứng và tự đào tạo; tập luyện thường xuyên dưới sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn. Không coi nhẹ, thờ ơ khi được nhắc nhở về phòng cháy chữa cháy.

Các đơn vị, cơ quan quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động phòng cháy chữa cháy từ nhà dân đến cơ sở sản xuất kinh doanh, tòa nhà, công sở. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Truyền thông để người dân hiểu, thực hiện và làm theo các hướng dẫn. Hiện đại hóa trang thiết bị, xe cứu hỏa; xây dựng các phương án hợp đồng lực lượng ngay tại địa bàn để khi xảy cháy là phát hiện và dập lửa hiệu quả.

Hiện nay, “giặc lửa” đang tấn công vào từng gia đình, ngõ phố, con hẻm, khu dân cư, thôn bản, xóm ấp. Xin đừng thờ ơ, lơ là và chủ quan; nếu không cái giá phải trả là rất đắt.