Không chỉ là Tết ấm cho những người ở lại

Chăm lo Tết cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đô thị là việc làm thường xuyên nhiều năm qua của các cấp các ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều chuyển biến mới như hiện nay thì việc đồng hành, tiếp sức cho công nhân, người lao động cần có những sự điều chỉnh phù hợp để không chỉ giữ chân người lao động sau Tết, mà còn đảm bảo được nguồn nhân lực cho những mục tiêu phát triển tiếp theo.

Không thể phủ nhận rằng, giai đoạn tiễn đưa năm Nhâm Dần 2022 tiếp đón năm Quý Mão 2023 là thời gian thực sự khó khăn của thị trường lao động trong nước. Thống kê cho thấy đã có gần 550.000 người bị giảm việc, mất việc do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng.

Tuy vậy trên thực tế số lượng công nhân, người lao động bị ảnh hưởng không dừng lại ở đó. Dù không mong muốn nhưng phần lớn trong số họ đã phải ngậm ngùi chấp nhận rằng “năm nay coi như không có Tết”.

Thấu hiểu được tình cảnh trên, lãnh đạo chính quyền và nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực bằng mọi giá để có thể nối dài thêm cánh tay nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho công nhân, người lao động trước thềm Xuân mới.

Hàng ngàn tỷ đồng đã được huy động từ nhiều nguồn, hàng trăm ngàn vé tàu xe máy bay đã được gửi tặng và hàng triệu lượt công nhân, người lao động được tiếp cận, chăm sóc, đồng hành khi năm hết Tết đến.

Đây thực sự là những nỗ lực đáng trân trọng để mang đến một cái Tết yên vui, đầm ấm cho những người thu nhập thấp đô thị.

Tuy vậy, cũng cần phải xác định rằng, công tác đồng hành chăm lo Tết cho công nhân, người lao động cần phải đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là khi bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Chỉ khi nào doanh nghiệp được bơm đủ “oxy” để vận hành thì người lao động mới có thể yên tâm hơn về công việc và cuộc sống gia đình, cho dù là trước hay sau Tết

Sự chăm lo không chỉ nên dừng lại ở những chiếc vé xe, giỏ quà hay phong bao lì xì mà hơn thế nữa phải là các gói hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn về tài chính, về chính sách từ phía Chính Phủ.

Năm Quý Mão 2023 vẫn sẽ là 1 năm khó khăn của thị trường, doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng.

Do vậy, những chính sách hỗ trợ chăm lo Tết không nên mang tính thời điểm mà cần được mở rộng hơn, cả về quy mô lẫn phạm vi hỗ trợ. Trong đó, cũng cần dành nhiều sự quan tâm hơn đến nhóm đối tượng lao động tự do vốn có mối quan hệ cộng sinh mật thiết với nhóm công nhân, người lao động.

Quan trọng hơn là các ngành chức năng cần sớm triển khai các giải pháp ổn định thị trường, xúc tiến và mở rộng thêm nhiều thị trường mới để giúp doanh nghiệp trong nước tiếp tục duy trì hoạt động cũng như mở rộng được quy mô sản xuất.

Không chỉ vậy, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn về vốn, tín dụng cũng như các chính sách điều hành vĩ mô.

Chỉ khi nào doanh nghiệp được bơm đủ “oxy” để vận hành thì người lao động mới có thể yên tâm hơn về công việc và cuộc sống gia đình, cho dù là trước hay sau Tết.