Không khí đón Tết Nguyên đán đang tràn ngập phố phường. Người người hối hả làm nốt công việc cuối cùng để trở về nhà; có người cũng đã trên hành trình trở về quê hương.
Nhưng, cũng có những người lặng lẽ giữa phố xá, bám trụ lại thành phố và xác định Tết này … không có Tết, để mong kiếm thêm đồng ra đồng vào và trang trải đặng qua ngày tháng bởi những khó khăn trong trong thời gian vừa qua.
Không về quê đón Tết là lựa chọn vô cùng khó khăn và đầy nỗi niềm giằng xé của nhiều người con tha hương.
Bên cạnh những chương trình, hành động ý nghĩa để những công nhân lao động ở lại có một cái Tết thật sự ấm áp… thì TP.HCM cần làm gì để sau Tết, công nhân quay trở lại thị trường lao động ổn định.
Chiều cuối năm, gia đình chị Tân, quê Bắc Ninh, ngụ ở quận Bình Tân, TP.HCM huyên náo tiếng trẻ con. 8 người 3 thế hệ cùng chung sống trong một căn phòng trọ nhỏ bé, chật chội. Tết này, chồng chị Tân không về miền Tây đón Tết, chị cũng bám trụ lại kiếm thêm thu nhập để nuôi 4 con nhỏ. Vừa loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, chị Tân chia sẻ:
"Dịch thực sự khó khăn, ông xã tôi thất nghiệp phải chạy xe ôm công nghệ. Tôi đi làm cơ khí cũng thất nghiệp, hiện tại tôi đang đi dọn dẹp nhà cửa. Đi dọn nhà cho người ta còn nhà mình thì chưa có dọn được. Nhà cửa chưa tới đâu vào đâu. Ông xã cũng cố chạy cuốc xe cuối cùng…"
Hơn 20 năm sống ở Sài Gòn, với chị Tân, có lẽ, đây là cái Tết buồn nhất. Theo chị Tân, mấy tháng nay, chị và gia đình đều phải tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Đồ dùng trong gia đình giản tiện dần. Còn mấy hôm nữa là bước sang năm mới, nhưng vợ chồng chị vẫn phải bươn chải, nhà đông con nheo nhóc, trông cả vào ông bà nội.
"Tết năm nay thiếu thốn nhiều thứ. Mình chỉ biết an ủi là hài lòng với những gì mình đang có. Bước sang năm mới, mong có công ăn việc làm để lo cho cả gia đình, không phải chịu cảnh khó khăn hay chật vật như năm nay".
Gia đình chị Tân chỉ là một trong số hơn 50.000 người lao động ở TP.HCM bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn. Nhiều công nhân đến ngày cận Tết vẫn không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13.
Thời điểm này, tại các khu trọ công nhân, nhiều công nhân vẫn bám trụ ở lại TP nhưng để kiếm được việc làm không phải dễ dàng. Một số công nhân muốn tăng ca để kiếm thêm thu nhập nhưng đơn hàng giảm, nên cũng chỉ biết ngậm ngùi. Chị Kim Hồng, ngụ ở Bình Tân tâm sự:
"Sắp tới mình vẫn tiếp tục kiếm việc làm trên đây chứ Tết về quê cũng chẳng có tiền xài. Mình hỏi mấy công ty may tư nhân xem Tết này mà người ta có cần người thì người ta nhận, không thì đi kiếm việc khác, còn không thì đi làm phục vụ quán buổi tối".
Còn với chị Nguyễn Thị Điển, không may mắn như những công nhân khác, gần 4 tháng trước, công ty của chị ở Bình Dương đóng cửa, chị phải chuyển về TP.HCM và xin vào Công ty Freetrend, TP. Thủ Đức để làm việc.
Thưởng Tết không có, việc mới cũng được chăng hay chớ, lương chỉ ở mức 4 triệu đồng/tháng, chị Điển vừa khóc vừa chia sẻ:
"Lâu rồi không được về quê. Ai cũng có tiền Tết hết trơn. Chị mới vô nên không có tiền Tết. Ba bốn năm rồi, đâu có tiền để về. Dịch bệnh, rồi thất nghiệp, tiền nhà trọ rồi khó khăn lắm. Giờ chị muốn về thăm con nhưng cũng không có tiền về.
Giờ đang gửi chúng nó ở nhà cho Dì cho con nó ít gạo rồi chăm sóc dùm mình chứ giờ biết gửi ai bây giờ. Chị làm ngày nào sống ngày đó. Cha mẹ tôi cũng khổ, đâu có đủ tiền đâu mà cho…"
Trước tình hình thị trường lao động tại TP.HCM chưa có nhiều chuyển biến tích cực, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, nhiều công nhân mất việc làm, đời sống khó khăn, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã kịp thời tổ chức nhiều hoạt động để chăm lo về vật chất, tinh thần cho người lao động TP ở cấp quận, huyện và TP với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng, chưa tính việc chăm lo của các Công đoàn cơ sở tại các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM chia sẻ:
"Để chăm lo cho người dân khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết, ở lại TP để đón Tết năm nay, Liên đoàn Lao động TP tổ chức chương trình “Tết sum vầy” cho đoàn viên và người lao động được họp mặt, sum vầy sau một năm làm việc vất vả và khó khăn. Riêng đoàn TP tổ chức họp mặt 10.000 hộ gia đình trong chương trình này. Chương trình thứ hai tổ chức tại công viên văn hoá Đầm Sen, tổ chức cho 5.000 gia đình, công nhân lao động vui Tết cùng TP".
Cũng theo đại diện Liên đoàn Lao động TP, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của công nhân, người lao động nên cách thức chăm lo cho người lao động không chỉ là việc hỗ trợ có tính chất thức thời mà cần phải có một số giải pháp đồng bộ và phối hợp liên ngành, từ việc áp dụng những chính sách khẩn cấp, hỗ trợ tín dụng ngắn hạn.
Đặc biệt là tăng cường thêm hoạt động kết nối việc làm, đào tạo lại lao động trong một khoảng thời gian ngắn để một lực lượng lao động nhất định có khả năng chuyển đổi hoặc tiếp tục tham gia vào thị trường lao động.
Chăm lo Tết cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đô thị là việc làm thường xuyên nhiều năm qua của các cấp các ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều chuyển biến mới như hiện nay thì việc đồng hành, tiếp sức cho công nhân, người lao động cần có những sự điều chỉnh phù hợp để không chỉ giữ chân người lao động sau Tết, mà còn đảm bảo được nguồn nhân lực cho những mục tiêu phát triển tiếp theo.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: Không chỉ là Tết ấm cho những người ở lại…”
Không thể phủ nhận rằng, giai đoạn tiễn đưa năm Nhâm Dần 2022 tiếp đón năm Quý Mão 2023 là thời gian thực sự khó khăn của thị trường lao động trong nước. Thống kê cho thấy đã có gần 550.000 người bị giảm việc, mất việc do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng.
Tuy vậy trên thực tế số lượng công nhân, người lao động bị ảnh hưởng không dừng lại ở đó. Dù không mong muốn nhưng phần lớn trong số họ đã phải ngậm ngùi chấp nhận rằng “năm nay coi như không có Tết”.
Thấu hiểu được tình cảnh trên, lãnh đạo chính quyền và nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực bằng mọi giá để có thể nối dài thêm cánh tay nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho công nhân, người lao động trước thềm Xuân mới.
Hàng ngàn tỷ đồng đã được huy động từ nhiều nguồn, hàng trăm ngàn vé tàu xe máy bay đã được gửi tặng và hàng triệu lượt công nhân, người lao động được tiếp cận, chăm sóc, đồng hành khi năm hết Tết đến.
Đây thực sự là những nỗ lực đáng trân trọng để mang đến một cái Tết yên vui, đầm ấm cho những người thu nhập thấp đô thị.
Tuy vậy, cũng cần phải xác định rằng, công tác đồng hành chăm lo Tết cho công nhân, người lao động cần phải đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là khi bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Sự chăm lo không chỉ nên dừng lại ở những chiếc vé xe, giỏ quà hay phong bao lì xì mà hơn thế nữa phải là các gói hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn về tài chính, về chính sách từ phía Chính Phủ.
Năm Quý Mão 2023 vẫn sẽ là 1 năm khó khăn của thị trường, doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng.
Do vậy, những chính sách hỗ trợ chăm lo Tết không nên mang tính thời điểm mà cần được mở rộng hơn, cả về quy mô lẫn phạm vi hỗ trợ. Trong đó, cũng cần dành nhiều sự quan tâm hơn đến nhóm đối tượng lao động tự do vốn có mối quan hệ cộng sinh mật thiết với nhóm công nhân, người lao động.
Quan trọng hơn là các ngành chức năng cần sớm triển khai các giải pháp ổn định thị trường, xúc tiến và mở rộng thêm nhiều thị trường mới để giúp doanh nghiệp trong nước tiếp tục duy trì hoạt động cũng như mở rộng được quy mô sản xuất.
Không chỉ vậy, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tích cực hơn về vốn, tín dụng cũng như các chính sách điều hành vĩ mô.
Chỉ khi nào doanh nghiệp được bơm đủ “oxy” để vận hành thì người lao động mới có thể yên tâm hơn về công việc và cuộc sống gia đình, cho dù là trước hay sau Tết.
Trung tuần tháng 8/2024 xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng ở Hà Giang. Chiếc ô tô 5 chỗ bị lỗi hệ thống, bất ngờ lao xuống vực cháy trơ khung, 1 giám đốc bị thương nặng, 1 thư ký tử vong. Thông tin này khiến hàng trăm người cao tuổi, thương bệnh binh, người lâm bệnh nặng ở Hà Nội rúng động.
Mưa bão những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng giao thông, với hàng trăm điểm sạt lở và hàng chục điểm ngập úng trên các tuyến Quốc lộ trọng yếu phía Bắc, gây ách tắc và đứt gãy giao thông.
Trước những thiệt hại hết sức nặng nề do bão số 3 và mưa lũ gây ra, mọi tấm lòng đều đang hướng về miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Người góp công, người góp của, san sẻ yêu thương, chỉ mong giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, gây dựng lại cuộc sống.
Vấn đề ngập lụt tại các đô thị như TP.HCM, Hà Nội ngày càng có những diễn biến phức tạp. Tình trạng ngập không chỉ xảy ra trong mùa mưa mà còn kéo dài đến mùa khô, khiến cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân trở nên cực kỳ khó khăn.
Bộ hành dọc các con phố, những sạp báo giấy ven đường ngày một hiếm thấy. Trong dòng chảy hối hả ngược xuôi của phố phường, một sạp báo giấy khiêm tốn nằm ở góc phố nào đó luôn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều người, đặc biệt với những người làm công việc giao báo…
Mục đích của hội nghị đối thoại là lắng nghe, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật thuế của các doanh nghiệp và người nộp thuế.
Công an TP.HCM vừa khởi tố 02 đối tượng tham gia tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.