Không chỉ là giải pháp kỹ thuật

Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt đối với các trạm BOT ứng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, vẫn cần những giải pháp kỹ thuật để tạo sự thuận lợi cho khách hàng, cho tài xế, bằng việc “chuyển mạng, giữ số” với thẻ thu phí không dừng.

ảnh nh họa

Đến thời điểm này, Công ty TNHH thu phí tự động VETC lắp đặt được hơn 1,7 triệu thẻ, trong khi con số này với Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) là 1,5 triệu thẻ. Như vậy, về số lượng thẻ khá tương đồng.

Để thu hút khách hàng sử dụng, cả 2 nhà cung cấp dịch vụ đều tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẵn có để tăng số lượng dán thẻ, từ mạng lưới của hàng Viettel trên toàn quốc đến hệ thống trạm thu phí rộng khắp của mỗi bên.

Về lý thuyết, việc hai bên cùng đẩy mạnh việc dán thẻ thu phí không dừng sẽ là một lợi thế trong việc nhanh chóng phủ khắp dịch vụ này tới khách hàng, tài xế và doanh nghiệp.

Tuy vậy, trong quá trình này cũng nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có cả việc dán đè thẻ của đơn vị này lên thẻ của đơn vị khác, khiến hệ thống đọc thẻ bị lỗi, khiến hàng loạt trường hợp bị lỗi khi qua trạm, và tài xế, doanh nghiệp bị liên lụy, phải tốn nhiều thời gian, công sức để đi làm thủ tục hủy 1 trong 2 thẻ đã dán.

Đó là chưa kể, nhiều trường hợp nhiều chủ xe đã dán thẻ, nhưng ít sử dụng, quên luôn mật khẩu tài khoản thu phí. Rồi việc mua bán xe cũ, chủ xe mới không biết mật khẩu tài khoản để sử dụng; có người muốn đổi thẻ Etag đã dán của VETC sang thẻ ePass của Viettel và ngược lại, vì những lý do khác nhau.

Với những trường hợp này, các đơn vị cung cấp đều hỗ trợ người dùng để lấy lại mật khẩu. Trường hợp muốn hủy tài khoản của thẻ khách hàng, tài xế phải liên hệ qua tổng đài để đến điểm gần nhất thực hiện hủy tài khoản chứ chưa nhà cung cấp dịch vụ nào thực hiện hủy thẻ trực tuyến.

Trong nhiều trường hợp, họ phải đi hàng chục cây số để thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ để làm thủ tục hủy thẻ.

Việc dán thẻ lần 2 mất chi phí 120 nghìn đồng không phải là trở ngại với nhiều người, nhưng họ lại ngại chạy mấy chục cây số đến điểm hủy thẻ. Do đó, cơ quan quản lý có thể áp dụng cơ chế chuyển đổi trực tuyến hay “chuyển mạng giữ số”, không bắt khách hàng chạy tới tận nơi với nhiều công đoạn, nhiều thủ tục để hủy thẻ.

Nếu thực hiện được điều này sẽ có lợi cho tất cả các bên, trong đó, quan trọng nhất là khách hàng được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt và phù hợp nhất.

Việc cho phép thay đổi nhà cung cấp dịch vụ, nhưng vẫn giữ nguyên thẻ không dừng cũng sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, nếu không muốn bị khách hàng rời bỏ.

Về lâu dài, kể cả khi có thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, nếu thỏa mãn khách hàng bằng các cơ chế tiện lợi, họ sẽ thu hút được nhiều người sử dụng dịch vụ hơn.

Đối với cơ quan quản lý, việc cho phép thay đổi nhà cung cấp dịch vụ nhưng vẫn giữ nguyên thẻ cũng là thước đo để đánh giá sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ này.

Khi dịch vụ tạo được sự thuận lợi tối đa cũng là một biện pháp để thu hút người dùng, thay vì chỉ áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hô hào như hiện nay.

Thậm chí, thẻ thu phí không dừng còn gắn với một phương tiện, cùng với chứng nh thư/căn cước công dân, nên ngoài việc chuyển mạng giữ số, hoàn toàn có thể thực hiện trả sau – giống như điện thoại di động, thay vì chỉ trả trước như hiện nay.

Nếu cho phép trả sau, những băn khoăn về việc phải giữ tiền trong tài khoản thu phí không dừng, mất phí khi chuyển từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản không dừng… cũng sẽ được loại trừ.

Việc tính toán những giải pháp có lợi nhất cho khách hàng, cho tài xế và doanh nghiệp cần được tính toán, dựa trên lợi ích của người dùng, chứ không phải dựa trên sự “nhìn nhau” của các nhà cung cấp dịch vụ./.