Không chăm sóc cha mẹ bị nâng mức phạt đến 20 triệu, do gia tăng hành vi?

Đó là mức phạt được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành mới đây về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Con cái bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ già bị phạt đến 20 triệu (Ảnh nh họa)

Theo đó, mức phạt này sẽ được áp dụng với các hành vi cụ thể như: đối xử tồi tệ với thành viên gia đình, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân. Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật.

Đáng chú ý là trước đây, theo quy định cũ tại Nghị định 167 năm 2013, các vi phạm trên chỉ bị phạt tiền từ 1,5 - 02 triệu đồng, tức là mức phạt mới này đã tăng gấp 10 lần so với quy định cũ.

Và để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trịnh Thái Quang, đến từ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

PV: Thưa ông, trước việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP, qua đó nâng phức mạt cho hành vi bỏ mặc, không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi lên 10 lần, ông có đánh giá như thế nào về nội dung này. Phải chăng việc nâng phức mạt này, đang phản ánh cho tình trạng con cái bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ già hiện nay ?

Tiến sĩ Trịnh Thái Quang: Thực ra thì nó cũng không thực sự là do gia tăng các hành vi bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ già của con cái hiện nay.

Trên thực tế, cũng chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam thống kê một cách đầy đủ các hành vi nêu trên. Viện nghiên cứu của chúng tôi cũng có một nghiên cứu nhỏ về vấn đề này, và kết quả cho thấy có khoảng 3% số người cao tuổi đã từng bị con cái bạo hành, khoảng 8% là bị đe dọa, nhốt trong nhà họ, và 15% bị con cái bỏ rơi và không chăm sóc.

Tôi thấy, với sự phát triển của truyền thông hiện nay, các vụ việc này được phơi bày nhiều hơn. Điều này thực sự gây ra những bức bối trong xã hội và đặt ra nhiều mối quan tâm về sự biến đổi giá trị gia đình Việt Nam, trong bối cảnh xã hội hiện đại, và đặc thù của nó là cái chủ nghĩa thực dụng hay là lối sống coi trọng vật chất ở lớp trẻ.

Ngoài ra thì cũng phải cần đề cập đến tình trạng già hóa dân số Việt Nam hiện nay, khiến cho số lượng người cao tuổi gia tăng rất nhanh chóng. Trong khi đó thì khả năng tự chủ tài chính của người cao tuổi Việt Nam thì lại thấp, và cũng như tình trạng sức khỏe không tốt, khiến cho họ phải sống phụ thuộc vào con cái nhiều hơn.

Điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực đối với thế hệ trẻ, và vì thế cho nên cũng góp phần vào việc nảy sinh các hành vi bỏ mặc, không chăm sóc bố mẹ, thậm chí có thể là có các hành vi bạo hành.

PV: Vậy để có thể giải quyết phần nào vấn đề này, bên cạnh việc đưa ra các quy định về pháp luật, theo ông cần có sự vào cuộc như thế nào của các bên liên quan?

Tiến sĩ Trịnh Thái Quang: Để giải quyết vấn đề này thì cần phải sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ cộng đồng cho đến các cơ quan quản lý nhà nước, cả bản thân người cao tuổi, và phải tính đến các biện pháp lâu dài.

Thứ nhất là cần tiếp tục tuyên truyền về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Về mặt pháp luật cần phải có những chế tài đủ tính răn đe với các hành vi ngược đãi như Nghị định 144, và quan trọng là phải có hướng dẫn thực thi các chế tài đó một cách rõ ràng, và phải quy định cụ thể các đơn vị phụ trách thực hiện.

Đồng thời cũng cần xây dựng các cơ chế báo cáo sự việc từ cộng đồng, cơ chế bảo vệ người cao tuổi là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. 

Về mặt chính sách thì tôi cũng có tham khảo một số các chính sách ở bên các nước phát triển, thì tôi thấy có một số cái mô hình của các nước đó để mà có các gói hỗ trợ cho những người trẻ tuổi hiện nay đang chăm sóc bố mẹ già, là những người có bệnh hay là người khuyết tật, hoặc có những hỗ trợ để khuyến khích những người trẻ tuổi sống cùng cha mẹ để chăm sóc cho họ.

Còn về phía cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức hội như Hội người cao tuổi, cần phát huy hơn nữa vai trò của họ đối với các thành viên cao tuổi trong cộng đồng, đặc biệt là việc quan tâm sát sao hơn đời sống của họ để có thể hỗ trợ kịp thời.

Cuối cùng thì bản thân những cái người là người bố, người mẹ thì cũng phải chuẩn bị sẵn cho cái tuổi già của mình, về cả sức khỏe, về cả tài chính và nơi ở, để khi mà ở cái tuổi già thì không bị quá phụ thuộc vào con cái.

PV: Xin cảm ơn ông!