Khó nhân rộng mô hình xử lý vi phạm nồng độ cồn

VOVGT- Mặc dù mô hình xử lý vi phạm nồng độ cồn có nhiều ưu điểm nhưng khó áp dụng ở những tuyến đường có bề ngang nhỏ như đường tỉnh, huyện

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe (Ảnh: Zing.vn)

An Giang là 1 trong 12 địa phương vừa được UBATGTQG và Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tiến hành tập huấn mô hình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế cho năm 2017.

Ông Lê Việt Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang cho biết, 9 tháng năm nay, toàn tỉnh xảy ra 74 vụ TNGT làm 68 người chết, 45 người bị thương.

So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ TNGT đã giảm 1 vụ, giảm 3 người chết và tăng 4 người bị thương. Theo ông Cường, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe. Nguyên nhân này chiếm hơn 50% tổng số vụ tai nạn.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như chạy quá tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, không chấp hành tín hiệu giao thông.

Tuy vậy, ông Cường cũng thừa nhận, việc triển khai mô hình tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế dù phát huy hiệu quả, song chỉ phù hợp với những nơi có điều kiện đường xá rộng rãi.

Đặc biệt, việc đo nồng độ cồn với người vi phạm cũng không hề dễ dàng, nhiều trường hợp chống đối người thi hành công vụ. Thêm vào đó, điều kiện đường xá của An Giang rất khó thực hiện theo mô hình này.

Ông Cường nói: “Bày ra quy trình để triển khai kiểm soát nồng độ cồn thế này cực kỳ khó. Theo tiêu chuẩn đặt ra như vậy thì đường ở địa phương An Giang như chúng tôi rất khó kiếm. Thứ 2 là khi triển khai thì nó mất rất nhiều thời gian, khi chúng ta bày ra được rồi thì những người vi phạm sẽ chuyển sang đi đường khác. Quân số huy động cho một ca như vậy là rất đông. Kết quả đạt được lại không như mong muốn. Đặc biệt, chúng ta chỉ có thể triển khai trên quốc lộ, những đường lớn, còn đường tỉnh, đường nông thôn thì chúng ta làm không được

 

Đại diện lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng qua phân tích trực tiếp các vụ TNGT xảy ra ở Bắc Giang thì có nhiều vụ việc, nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ vi phạm như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường. Đặc biệt, rất nhiều vụ TNGT thảm khốc bắt nguồn từ việc người điều khiển phương tiện ngủ gật khi sử dụng rượu bia.

Thực trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã đến mức báo động. (Ảnh: Bộ GTVT)

Thừa nhận hiệu quả của mô hình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, song đại diện lãnh đạo phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng: nếu tổ chức theo mô hình chuẩn, mỗi ca phải bố trí ít nhất 12 người, từ cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự đến cảnh sát giao thông.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp người vi phạm nồng độ cồn cố tình chống đối, kéo dài thời gian xử lý, thậm chí có những hành vi đe dọa đến an toàn của người thực thi công vụ và những người xung quanh khiến hiệu quả xử lý không được như mong muốn:

Đại diện lãnh đạo phòng CSGT, Công an tỉnh Bắc Giang nói: “Chúng tôi đang có kế hoạch mà Bộ Công an chỉ đạo cũng đã kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Năm 2016 - 2020 là chúng tôi đưa nội dung này vào kiểm tra thường xuyên. Nếu như chúng ta làm thường xuyên thì chúng ta cũng mất rất nhiều lực lượng cùng tham gia

 

Dẫn báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bến Tre 6 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra 196 trường hợp bị TNGT nhập viện cấp cứu thì 100% vi phạm nồng độ cồn. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách, UBATGTQG cho rằng: Thực trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện đã đến mức báo động. Tuy vậy, theo ông Hùng, các địa phương cần lựa chọn thời gian, địa điểm để mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế phát huy tối đa hiệu quả.

Ông Hùng nói: “Tổ chức mô hình, đội hình mà chính quy toàn diện như thế này là chúng ta tập trung vào thời gian cao điểm, địa bàn trọng điểm

 

Ông Hùng cũng thừa nhận, kiến nghị của các địa phương là có cơ sở và UBATGTQG sẽ phối hợp với Cục CSGT nghiên cứu để đưa ra mô hình kiếm soát nồng độ cồn phù hợp, đảm bảo kiểm tra nhanh, chính xác và phù hợp với nhiều địa bàn.

>>>Cứu hộ giao thông, cần đội ngũ chuyên nghiệp