Khi trẻ đánh nhau và ứng xử của người lớn

Bạo lực học đường, đang là nỗi nhức nhối, có vẻ như ngày một gia tăng và những người làm giáo dục chưa biết cách nào để khắc phục? Nhưng có một điều chắc chắn, khi con trẻ vướng vào bạo lực học đường, lỗi phần nhiều thuộc về người lớn

Chuyện thứ nhất

Ngày cậu con tôi học lớp 5 có xảy ra xích mích với một bạn cùng lớp, 2 đứa có vẻ là đụng tay đụng chân với nhau khá nặng. Cô giáo chủ nhiệm hốt hoảng gọi cho phụ huynh thông báo tình hình.

Theo điều tra của cô thì cậu con tôi là “nạn nhân” nên cô giáo đã gọi cho phụ huynh cậu bé kia để liên lạc với tôi mong giảng hoà.

Bố mẹ cậu bạn cùng lớp gọi điện rối rít xin lỗi, nhưng vợ chồng tôi cùng bảo: Trẻ con chuyện xích mích trên lớp là bình thường, có gì to tát đâu, vì vốn 2 đứa chơi với nhau khá thân trên lớp.

Sau cuộc đó thì 2 gia đình hẹn gặp nhau, đi ăn một bữa và từ đó chúng tôi trở thành bạn thân với nhau.

2 đứa con chúng tôi cũng thành bạn thân với nhau từ ngày ấy đến giờ.

Hình nh hoạ (theo vovtv)

Chuyện thứ 2

Năm cậu con tôi học lớp 7, lại xảy ra một chuyện buồn.

Trong lớp có một bạn khá cá biệt, cậu thường mang sách truyện ra đọc trong giờ học và bị giáo viên nhắc nhở khá nhiều lần nhưng vẫn tái diễn. Một lần trong tiết học của cô giáo chủ nhiệm, cô bắt gặp cậu ta đọc truyện trong lớp, yêu cầu không được đọc sách trong giờ học. Tuy nhiên cậu bé này nhất định không nghe. Cô giáo sau đó tịch thu cuốn sách và giao cho cậu con tôi bảo quản (khi đó làm tổ trưởng).

Giờ ra chơi cậu bé kia xông ra hành hung quyết đòi bằng được quyển sách từ con tôi...

Sau này hỏi chuyện, cậu con tôi bảo, khi bạn xông vào con con chẳng làm gì cả, vì thực ra bạn đó bé hơn con, cũng chẳng làm gì được con, mà con thì không muốn đánh nhau với bạn.

Câu chuyện lên đến đỉnh điểm, khi cậu bé không đòi được sách, quá tức giận đã vào lớp và phá hoại nhiều tài sản của lớp học...

Sau vụ việc, nhà trường có mời phụ huynh của cậu bé kia lên nói chuyện. Tuy nhiên, thay vì thái độ hợp tác, gia đình cậu bé này lại “kiện” ngược lại cô giáo chủ nhiệm, vì đã gây tổn hại tinh thần, làm ảnh hưởng tới việc học tập của con họ, thậm chí đưa câu chuyện không chính xác lên mạng xã hội, như một cách để tìm sự ủng hộ của những người không biết cụ thể sự việc ra sao.

Câu chuyện ầm ĩ đến mức, nhà trường nơi con tôi học đã có một quyết định khá khó hiểu là đuổi việc cô giáo chủ nhiệm của con tôi (?)

Có lẽ, với nhà trường, đuổi việc một giáo viên sẽ dễ dàng hơn việc “gây chiến” với phụ huynh học sinh?

Còn về phần gia đình tôi, sau đó cũng không nhận được một lời chia sẻ nào của nhà trường hay phụ huynh cậu bé kia, mặc dù con tôi bị con họ cào cấu rách hết mặt mũi. Vẫn cho rằng, chuyện trẻ con mâu thuẫn ở trường là không tránh khỏi, và mọi chuyện ở trường sẽ có nhà trường giải quyết nên chúng tôi cũng không có ý kiến thêm về việc này, và cho qua.

Chỉ buồn với cách ứng xử với sự việc của nhà trường và phụ huynh bạn học sinh kia. Từ một chuyện rất nhỏ, đã dùng “quyền lực phụ huynh” và “quyền lực mạng xã hội” để phá hỏng sự nghiệp của người đã từng dạy dỗ con họ.

***

Tôi cứ thắc mắc mãi, không biết là với cách dạy con như thế, liệu cậu bé kia khi lớn lên sẽ nhìn nhận và ứng xử với mọi người trong xã hội như thế nào?

Liệu cậu có lớn nổi không dưới sự bao bọc có phần thái quá của bố mẹ? Liệu cậu có biết nhìn nhận lỗi do mình gây ra hay sẽ ứng xử giống như cách mà bố mẹ cậu đã từng làm?...

Chỉ biết rằng, sau 5 năm học cùng nhau, cậu bé đó không có bạn thân ở lớp, và gần như không tham gia vào bất cứ một sự kiện nào với vai trò nòng cốt hoặc ít nhất là sự nhiệt tình như các bạn cùng lớp.

Mỗi người có cách dạy dỗ con cái khác nhau, nhưng khi đến trường hãy để con mình được hoà đồng với các bạn, và đừng nên tạo sự khác biệt với cộng đồng nơi con mình sinh hoạt.

Không phải tự nhiên mà khi đến trường, học sinh phải tuân thủ việc mặc đồng phục!