Khi quy phạm được ứng xử như một thứ cẩm nang

Luật Phòng cháy chữa cháy ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 và các văn bản dưới Luật đã đề cập các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình nhà ở. Tuy vậy, các quy định này cần sớm được tiêu chuẩn hóa thành các yêu cầu cụ thể, để trở thành những điều kiện bắt buộc.

Mật độ “nhà ống” ở đô thị được xây dựng dày đặc, san sát nhau. Ảnh: Chuyên trang Văn hóa đời sống

Nhà ống đô thị, một kiểu kiến trúc “nén” nhu cầu cư trú, sinh hoạt của cư dân vào những diện tích chật hẹp, là một sản phẩm tất yếu của đô thị, khi độ “nén” của dân số vào khu vực lõi ngày càng cao, tốc độ đô thị hóa ngày càng chóng mặt.

Sau những vụ cháy nổ nghiêm trọng, người ta băn khoăn, vì sao những công trình tiềm ẩn mất an toàn cháy nổ ngay từ thiết kế này lại vẫn được xây?

Vì sao không chuẩn hóa yêu cầu phòng cháy chữa cháy ngay từ đầu, để ngăn ngừa hậu quả?

Thực ra, quy định không thiếu. Có chăng là ở cách mà nó được ban hành và ứng xử.

Từ Nghị định 136/2020 về Phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, đến Quy chuẩn Việt Nam số 06:2021, hay hay quyết định của các địa phương về lĩnh vực này, cũng đã có nhiều nội dung khá chi tiết để phòng ngừa hỏa hoạn cho nhà ở của người dân.

Nhưng nếu lấy quy định này để áp cho nhà ống hay các căn nhà diện tích chật hẹp nói chung, thì gần như bất khả thi.

Chẳng hạn, Hà Nội quy định: “gian phòng, khu vực để ô tô, xe máy, máy phát điện dự phòng và phương tiện, thiết bị khác có sử dụng nhiên liệu là xăng, dầu, phải được ngăn cách hoặc có khoảng cách an toàn đến lối ra thoát nạn”. Nhưng với nhà ống, khu vực thoát hiểm đang chính là chỗ để xe, kết hợp hàng hóa kinh doanh – những thứ rất dễ cháy nổ.

Hoặc, với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, theo quy định: “gian phòng sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy (bằng bộ phận ngăn cháy), ngăn khói với khu vực để ở của hộ gia đình, cầu thang bộ chung của các tầng và lối ra thoát nạn tại tầng 1 của nhà”.

Đây cũng là một quy định có ý nghĩa tham khảo là chính, với các căn nhà nhỏ hẹp, như nhà ống.

Quy định có, nhưng thiếu thực tế và không đi kèm hướng dẫn để người dân biết cách tổ chức không gian sao cho giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Chưa kể sự dích dắc của quy định, muốn biết điều này phải tra khoản, chi tiết khoản nọ lại ở mục kia… rất dễ làm nản lòng những người chỉ cần thông tin dễ hiểu, dễ áp dụng.

Nhưng một lý do khác để các quy định không được biết tới, là gần như không có thông tin về hoạt động giám sát thực thi. Các thiết kế an toàn PCCC cho công trình nhà ở của người dân đang không nằm trong nội dung giám sát của thanh tra xây dựng địa phương. Còn với lực lượng PCCC, công tác chính hiện nay chủ yếu dừng lại ở cảnh báo sau vụ cháy với công trình dạng này.

Các kế hoạch rà soát định kỳ an toàn PCCC nhà dân -hoặc ít nhất là sau các vụ cháy nổ  nghiêm trọng xảy ra, cũng chưa thấy có địa phương nào tiến hành, để nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện.

Vì vậy, quy định có được thực hiện hay không, phụ thuộc vào sự tự nguyện, tự giác của người dân.

Trong khi, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Và an toàn cháy nổ không chỉ là chuyện riêng của các gia đình có nhà ống, mà cả các hộ  xung quanh, các công trình kết cấu hạ tầng và tài sản của tổ chức, cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng của vụ hỏa hoạn.

Đó thực sự là một nghịch lý.

Nghịch lý này xuất phát từ một nghịch lý khác: đó là quy phạm pháp luật được ứng xử như một thứ cẩm nang có tính tham khảo, chứ không phải để chấp hành. Còn cái thực sự cần - là cẩm nang phòng cháy cho nhà ống – một kiến trúc xây dựng được chính quyền chấp nhận và cấp phép, thì lại chưa có.

Hóa giải một nghịch lý, đương nhiên không thể trông chờ vào sự tự giác ngộ, tự thay đổi của người dân.

Nghiên cứu một giải pháp kiến trúc khác để thay thế nhà ống, với mặt tiền 3 mét hoặc chật hơn ở đô thị, cũng là việc không khả thi với chủ hộ.

Và khi người dân không thể, mà các cơ quan quản lý vẫn chỉ dừng lại ở cảnh báo và khuyến cáo, thì cháy nổ với hàng triệu căn nhà ống đang được xem như một rủi ro buộc phải chấp nhận, dù thiệt hại lớn đến đâu.

Đây cũng lại là một nghịch lý. Vì cháy nổ là thứ hoàn toàn có thể phòng ngừa, giảm thiểu. Và bởi vì, phòng cháy luôn là yêu cầu được đặc biệt nhấn mạnh trong mọi chỉ đạo của cả chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý chuyên ngành./.