Khi khách hàng không phải là "thượng đế"

Tình trạng mua ô tô phải “kèm theo lạc” như dư luận vẫn hằng ngày phản ánh, cũng một phần là do lỗi… của người mua. Việc người mua chấp nhận “kèm lạc” để được mua xe sớm, trước người khác là có và thường xuyên xảy ra...

Nhớ ngày bé chúng tôi thường theo mẹ đi xếp hàng mua hàng hoá ở cửa hàng mậu dịch, hoặc mua gạo ở cửa hàng lương thực.

Ấn tượng mãi đến bây giờ vẫn không thể phai được đó là hình ảnh cô mậu dịch viên uy nghi lừng lững, hét ra lửa khiến những người đứng xếp hàng trước cửa hàng run rẩy khiếp sợ, nhưng vẫn phải nở những nụ cười méo mó cầu cạnh với hy vọng cô mậu dịch viên rủ lòng mà bán cho cân mỡ khổ dày dặn về rán bỏ cặp lồng ăn dần…

Hay cô cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực tay lăm lăm cái xăm gạo oai phong lẫm liệt đi chọc vào từng bao gạo để kiểm tra xem bao nào ngon, bao nào mốc, bao nào gạo đỏ nhiều mọt… Nếu may mắn ai mà quen thân thì được mua bao gạo ngon, không thì chỉ có gạo ẩm, gạo mốc.

Và ngoài gạo bao giờ cũng phải mua kèm thêm bao ngô “răng ngựa”, rổ khoai lang khô quắt, vài kg “bo bo”, sang hơn thì túi bột mì vón cục hôi rình… về nấu kèm mà ăn hằng ngày…

Rồi nền kinh tế chuyển đổi, kinh tế thị trường mở cửa, các cô mậu dịch viên hết thời làm mưa làm gió, người bán kẻ mua đã có vị thế gần như công bằng.

Nhưng có lẽ, cái thói sợ hãi đã ngấm sâu vào mã gen của chúng ta nên ít nhiều vẫn còn dư âm đến tận ngày nay trong rất nhiều giao dịch mua bán. Khi mà đáng lẽ ra, những khách hàng, như ai đó từng nói, phải là “thượng đế” thì trong rất nhiều hoạt động giao dịch ở ta, vị trí của họ chỉ là những kẻ… có tiền, không hơn, không kém.

Và nực cười hơn là kẻ có tiền, lại chẳng có tí quyền gì trong việc đi mua sắm. 

Điển hình là việc mua ô tô.

Ảnh nh họa

Theo phản xạ, hầu hết những người muốn mua một chiếc ô tô phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình, liền nghĩ ngay tới việc nhờ cậy những mối quan hệ, quen biết, để tiếp cận món hàng mình định mua vừa để đỡ phải mua hớ về giá, hay được sở hữu một chiếc ô tô không bị lỗi, hỏng gì cả.

Và ngược lại nếu không có những mỗi quan hệ đó, sẽ luôn là kèm theo cảm giác sợ sệt, cảnh giác sẽ bị mua đắt, mua phải hàng lỗi, hay một trong những tình trạng phổ biến, mà chúng ta vẫn hay gọi là “bia kèm lạc”. Đó là phải trả thêm tiền chênh lệch, từ vài triệu, vài chục triệu tới cả trăm triệu so với giá niêm yết của hãng, để được sở hữu chiếc xe ô tô mà mình mong muốn (?). Hoặc thực tế hơn là không phải xếp hàng chờ đợi cả tháng, thậm chí cả năm trời.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Tình trạng mua ô tô phải “kèm theo lạc” như dư luận vẫn hằng ngày phản ánh trên các diễn đàn ô tô, cũng một phần là do lỗi… của người mua.

Việc người mua chấp nhận “kèm lạc” để được mua xe sớm, trước người khác là có và thường xuyên xảy ra; Người mua sẵn sàng bỏ thêm tiền để chọn được mẫu xe ưng ý, sẵn sàng bỏ thêm tiền để “thúc” người bán hàng lấy về cho mình mẫu xe đang “hot” và trên thị trường thì đang không còn nhiều hàng… Vân vân…

Với đủ những lý do như thế, rõ ràng, người mua chúng ta đã và đang cùng góp phần… giúp kẻ bán nâng giá, ép chính chúng ta phải mua thêm các gói phụ kiện, mua thêm những thứ mà có lẽ sẽ chả bao giờ dùng.

Nếu người mua nhất quyết không tiếp tay cho việc nâng giá, cho thủ đoạn bán hàng “bia kèm lạc”, thì liệu tình trạng này có thể tồn tại?

Vậy thì trách ai? Có lẽ, là phải trách cả hai… Kẻ bán và cả người mua!