Khi các địa phương thờ ơ với AIDS

Sau khi Việt Nam tiến lên nhóm các nước có thu nhập trung bình, các nguồn lực tài trợ quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng giảm dần.

Thế vào đó, nước ta đã có nhiều nỗ lực nhằm xoay chuyển tỷ trọng từ dựa phần lớn từ quốc tế sang các nguồn tài chính nội lực.

Năm 2018 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên tỷ trọng các nguồn tài chính trong nước đã lên đến 51%. Đến năm 2020 là 53%. Hiện nay, con số này duy trì ở mức trên 50%. Trong đó, 17% từ ngân sách địa phương, 7% ngân sách trung ương, 9% Quỹ BHYT, 4% thu từ phí điều trị Methadone, đồng chi trả dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS, và 3% từ khu vực tư nhân.

Đây là một cố gắng rất lớn của Việt Nam trong chiến lược phòng chống, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình; 95% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) mặc dù mới đạt được chỉ tiêu thứ ba, nhưng lại là chỉ tiêu quan trọng nhất. Hiện có tới 96% số người đang điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện. Tức là hễ phát hiện và điều trị được, gần như tất cả người nhiễm HIV sẽ có được chất lượng cuộc sống bình thường, không có nguy cơ lây truyền virus HIV sang bạn tình âm tính qua đường tình dục, và có thể có con.

Hai chỉ tiêu còn lại liên quan tới việc tìm ca và thuyết phục họ đi điều trị, mới chỉ đạt 86% và 80%.

Việc hoàn thành hai chỉ tiêu này lại phụ thuộc rất lớn vào các nguồn lực, mức độ quan tâm, đầu tư đối với công tác phòng chống HIV/AIDS tại các địa phương. Đặc biệt, ngân sách địa phương đang là nguồn lực tài chính trong nước lớn nhất.

Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh tiengchuong.chinhphu.vn

Trong một hội nghị mới đây của Cục Phòng chống HIV/AIDS, bên cạnh việc biểu dương các địa phương có phân bổ kinh phí ngân sách địa phương lớn nhất cho giai đoạn 2021 đến 2030, ban tổ chức cũng công khai 12 tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch đảm bảo tài chính để kết thúc dịch AIDS trong 10 năm tới.

Các chương trình dự phòng để khống chế số ca mắc mới giữ nguyên như hiện tại (trung bình 10.000 ca/năm) hiện phụ thuộc 53% vào nguồn tài trợ nước ngoài. Nếu các địa phương không sớm quan tâm và phê duyệt phương án tài chính, rất khó để duy trì chứ chưa nói tới mục tiêu cả nước giảm số ca mắc mới hàng năm xuống dưới 1000 ca như đã cam kết.

Trong số các địa phương có biểu hiện “thờ ơ” với AIDS, có cả các tỉnh, thành phố lớn, tập trung rất nhiều khu công nghiệp, chế xuất, với đặc điểm dịch tễ phức tạp, số công nhân tạm trú trên địa bàn biến động cao và có nguy cơ bùng phát dịch AIDS trở lại.

Theo thống kê, toàn quốc có khoảng 220.000 người nhiễm HIV, nhưng ước tính thực sẽ có khoảng 242.000 trường hợp. Như vậy, vẫn còn khoảng 20.000-40.000 người nhiễm HIV ẩn trong cộng đồng, chưa được tìm ra.

Nhiệm vụ “vét” nốt số ca mắc đó, cùng với việc khống chế và giảm dần số ca mắc mới bằng các chương trình dự phòng quả là một thách thức vô cùng lớn với Việt Nam trong chiến lược kết thúc dịch AIDS.

8 năm tới, chúng ta đã cam kết với cộng đồng quốc tế về mục tiêu này. Nhưng hiện tại, vẫn có hàng chục địa phương chưa phê duyệt kế hoạch tài chính.

Trách nhiệm phòng chống và chấm dứt đại dịch cần sự chung tay nỗ lực không chỉ của trung ương, mà cả chính các địa phương.