Khắc phục khó khăn, kiên định mục tiêu đổi mới giáo dục

Chương trình GDPT 2018 đang đi đến năm thứ 3 và chỉ còn 2 năm nữa là hoàn thành. Năm qua là khoảng thời gian nỗ lực xoay xở của giáo viên và các trường THCS để thích nghi với nhiệm vụ mới; nhưng những bất cập, khó khăn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Kiên định đổi mới hay “lối cũ ta về”?

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, dạy học tích hợp là xu thế của giáo dục toàn cầu. Mọi sự đổi mới luôn đi kèm thách thức, nhưng cần kiên định mục tiêu để đi đến đích cuối cùng.

 

Mục đích của dạy tích hợp là để học sinh nhìn thấy mối liên kết của các kiến thức khác nhau trong một hiện tượng, từ đó vận dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, bất cập trong việc dạy học tích hợp những năm qua khiến mục đích này chưa được thực hiện thành công như kỳ vọng.

Khó khăn lớn nhất là nhân lực, khi các giáo viên được đào tạo đơn môn nay phải dạy kiến thức tổng hợp. Dù có sự phối hợp của các tổ giáo viên, dù được tập huấn, thậm chí tự bỏ tiền túi để được đào tạo thêm, nhưng nhiều thầy cô vẫn chưa hoàn toàn tự tin khi đứng lớp và vất vả khi soạn giáo án.

Trong khi đó, cơ sở vật chất, dụng cụ học tập chưa được đảm bảo khiến nhiều trường, giáo viên và học sinh loay hoay khi thực hiện kế hoạch chương trình.

Sự lúng túng trong việc dạy học tích hợp không chỉ diễn ra với thầy và trò, mà còn thể hiện ở cả SGK, tài liệu cốt lõi của chương trình. Với môn KHTN, kiến thức vật lý, hóa học, sinh học được sắp xếp lần lượt, thiết kế chưa thể hiện sự tích hợp. Còn với môn Lịch sử & Địa lý, nội dung môn sử ở nửa trước cuốn sách, môn địa ở nửa sau, khiến việc tích hợp dường như chỉ… tiết kiệm một bìa sách.

Trước phản ánh của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định Bộ sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với dạy học tích hợp ở bậc THCS.

Khẳng định của người đứng đầu ngành giáo dục cho thấy lựa chọn đi tiếp con đường mới, tiếp thêm niềm tin, động lực cho các trường và đội ngũ giáo viên trên cả nước. Tuy nhiên, thay đổi như thế nào để không ảnh hưởng chương trình tổng thể, không lãng phí công sức thời gian qua của giáo viên, nhà trường và thực sự phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh thì cần tính toán kỹ lưỡng.

Để dạy học tích hợp hiệu quả thì cần phát huy sự sáng tạo và linh hoạt của người dạy xoay quanh kiến thức và phương pháp cơ bản (Ảnh nh họa: Thanh Niên)

Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên cần nhìn nhận lại là SGK. Chương trình hiện nay đang sử dụng nhiều bộ sách dẫn đến lúng túng trong lựa chọn. Đó là chưa kể thời gian thực nghiệm chưa đủ sâu rộng mà đã vội triển khai ở hầu hết cấp học.

Nên chăng, trước mắt cần có một bộ sách áp dụng trên phạm vi toàn quốc, là “kim chỉ nam”, thống nhất nội dung và mục tiêu đúng tinh thần của chương trình GDPT 2018. Với một bộ sách thống nhất, kết hợp với các phương pháp, kỹ thuật dạy học được tập huấn liên tục, các giáo viên có thể tự đọc, hiểu và triển khai tốt bài giảng môn tích hợp.

Bên cạnh đó, SGK cũng không thể “chốt” cứng qua từng năm, cần có sự điều chỉnh khi cần thiết để phù hợp yêu cầu thực tiễn, gia tăng sự tích hợp trong nội dung học tập.

Khi đã chuẩn bị tốt nội dung thì việc cần quan tâm tiếp theo là phương pháp giảng dạy. Muốn đổi mới thành công thì cần nhiều thời gian, muốn có được đội ngũ giáo viên dạy tích hợp tốt thì các trường cần thiết lập lộ trình dựa trên thực tế, không nóng vội, đốt cháy giai đoạn.

Để dạy học tích hợp hiệu quả thì cần phát huy sự sáng tạo và linh hoạt của người dạy xoay quanh kiến thức và phương pháp cơ bản. Các trường cần tạo điều kiện cho giáo viên tập huấn, học thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết, đồng thời phát huy vai trò của tổ chuyên môn.

Những tổ này là “linh hồn” của trường học, là nơi chia sẻ tri thức, kinh nghiệm để mỗi thầy cô tìm được phương pháp giảng dạy tốt nhất, phù hợp nhất với điều kiện bản thân và học sinh của mình.

Xa hơn, các trường sư phạm cần làm tốt công tác đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp từ ngắn hạn đến dài hạn, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng. Ngành giáo dục và các địa phương cũng cần quan tâm, nâng cao hơn nữa đời sống giáo viên, từ chế độ lương, thưởng đến điều kiện dạy học, để các thầy cô yên tâm và toàn tâm cho công tác chuyên môn.

“Ngọn lửa” nhiệt huyết của giáo viên là yếu tố quyết định mức độ thành công của việc dạy học tích hợp, và sự thay đổi của học sinh qua từng bài học là sẽ món quà lớn nhất đáp lại sự quyết tâm, công sức mà các thầy cô dành cho các em.

Không chỉ có vậy, kiên định mục tiêu đổi mới còn cho thấy nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc thực hiện đúng cam kết với nhân dân khi triển khai chương trình GDPT mới, với mục tiêu cao nhất là phát triển nhân lực quốc gia sẵn sàng cho bối cảnh cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế.