Hướng đến những phước lành nhân tháng Ramadan

Sài Gòn rộng lớn, có một khu phố người Chăm theo đạo Hồi ẩn mình trong con hẻm ngoằn ngoèo số 157 Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8). Ở đây, hơn 160 hộ dân, ước chừng khoảng 2.100 tín đồ sống ôn hòa, ăn chay Halal, đi lễ 5 lần mỗi ngày ở thánh đường Jamiul Anwar.

Năm nay, tháng Ramadan diễn ta từ 11/3-11/4 nên bà con sinh hoạt theo nghi thức lễ nghiêm ngặt, xả chay và thực hành làm những việc tốt để được ban phước lành.

 

Đa số người theo đạo Hồi tại TP.HCM là người Chăm có gốc quán ở An Giang, hiện có khoảng 10.000 người, sống tập trung ở 15 khu vực thuộc các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, quận 6, quận 8.

Mỗi khu vực là một xóm sống quanh một thánh đường Hồi giáo (Masji Surau). Ở cấp thành phố, cộng đồng người Chăm đều thành lập một Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo, được chính quyền công nhận.

Cộng đồng người Hồi giáo (Islam) về gần con Rạch Ông và Kênh Tẻ nay thuộc Phường 1 và 2 quận 8 lập nghiệp từ những năm 1963. Tháng lễ nên cuộc sống, sinh hoạt nhộn nhịp nên khiến con hẻm có phần chật chội và đông đúc hơn. Hầu hết người dân ở đây buôn bán nhiều loại bánh, thức ăn, hủ tiếu theo chuẩn Halal.

Chị SaLy cho hay, hằng ngày gia đình chị thường đi lễ và nhịn ăn uống đến 18 giờ 9 phút mới xả chay. Hoạt động chính của xóm đạo là bán những loại bánh phục vụ bà con cộng đồng và kể cả những bà con người Kinh, Hoa lân cận.

Chị Saly chia sẻ: “Xả chay xong rồi  thì cầu nguyện, sau đó nhà mình làm bánh tới khuya rồi mẹ mình đến sáng làm tiếp để kịp trưa bán, bán tới chiều. Ở đây nhiều nhà khác thường bán mấy món nước vì cả ngày nhịn đói nên cũng khô, như hủ tiếu, phở… còn nhà mình chỉ bán bánh thôi”.

Hoạt động buôn bán của bà con người Chăm theo đạo Hồi tại hẻm 157 Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM)

Tương tự, Bà Halimah (60 tuổi) - một tín đồ cho hay ở đây tháng Ramadan là lớn nhất, trên thế gian này không có tháng nào thay thế được. Tất cả phước lành, bố thí, làm đều thiện đều dành cho tháng Ramadan này.

Bà Halimah chia sẻ những đặc trưng của bà đời sống bà con tại hẻm 157: “Ban đêm người phụ nữ (ximen) đi lễ ở trên, người đàn ông đi lễ ở dưới, không có ép buộc, người có sức khỏe thì đi không có thì ở nhà. Thí dụ tháng thường một ngày làm lễ 5 lần, nhưng tháng Ramadan phải 23 lần, người nào làm thì được hưởng phước”.

Ông ABD Halim, Phó Ban quản trị về mặt xã hội thánh đường Jaul Anwar, sống ở khu phố này từ năm 1963 nên người Chăm hay người Kinh đều hòa đồng, về mặt kinh tế chan hòa với nhau, san sẻ từng chút một trong cuộc sống. Mỗi ngày trong tháng Ramadan đều có những chàng trai trẻ đến thánh đường nấu cháo để phục vụ bà con, nồi cháo lên đến 30 kg gạo đủ sức phục vụ thêm những ai cần, kể cả những người không theo đạo.

“Người ta làm lễ thường ngày 5 lần, tối khoảng 8h (20h) thì có tổ chức làm lễ Ta-la-quy, toàn bộ tín đồ  ở đây rất là đông, ở trên lầu khoảng 300-400 người. Ta-la-quy khác xa với lễ hằng ngày, tháng này người ta đến làm đông để lấy cái phước lành. Tinh thần hỗ trợ nhau thì khu vực nào cũng vậy, mỗi nơi tín đồ ít hay nhiều thì họ cũng sinh hoạt nấu ăn cũng giống nhau. Riêng khu vực thánh đường tôi đông nhất thành phố nên buộc phải làm xôm tụ một chút…”, ông ABD Halim cho biết.

Ngoài việc sống hòa đồng góp phần thêm sự đa dạng bản sắc dân tộc, dân cư tại TP.HCM, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi còn hỗ trợ thêm nhiều công việc như cưới hỏi cho người nước ngoài theo đạo, ma chay khi đến đây làm việc.

Ông Châu Ly, Chánh văn phòng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tại TP.HCM chia sẻ: “Về trường hợp mình nói về việc muốn lấy vợ tại Việt Nam đi, đa số là người Malaysia, Pakistan muốn lấy vợ thì phải qua thánh đường để xin ý kiến mình cho cô gái Việt Nam vô đạo. Mình cũng hỏi cô gái có đồng ý vô đạo không?

Mình giảng giải về Hồi giáo thế nào cho họ biết, rồi họ có theo thì mình làm nghi thức cho họ vô đạo. Xong rồi mới hẹn người đàn ông đến làm đám cưới, xem có những giấy tờ mới làm hôn lễ. Còn về người mất cũng thường gọi mình giúp đỡ, thường sẽ có 1 công hàm của Đại sứ nước đó gửi quà cho mình và sở Ngoại vụ. Sau đó mình sẽ nhờ anh lo, làm nghi thức tắm rửa, khâm liệm rồi tìm chỗ chôn…”

Trong cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi tại TP.HCM cũng có nhiều kỹ sư, bác sĩ  lặng lẽ đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng thành phố Văn nh - Nghĩa tình - Hiện đại, cũng như đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc./