Hơn 11 năm làm việc không công của chàng giám đốc “mê” nhặt rác

“Giám đốc mê nhặt rác” là biệt danh mà nhiều người dân bán đảo Sơn Trà yêu mến và đặt cho anh Đào Đặng Công Trung trong suốt nhiều năm nay.

Suốt hơn 11 năm qua, người đàn ông ấy giữ cho mình một tình yêu với biển đảo Đà Nẵng và thể hiện tình yêu ấy theo cách riêng của mình, “nhặt rác ở đáy biển”. Hành động ý nghĩa của anh đã dần lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của nhiều bạn trẻ.

Sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng, nhiều lần có cơ hội lái xe lên Sơn Trà tham quan, ngắm cảnh, anh Trung đã trót yêu bán đảo xinh đẹp này. Và cũng xuất phát vì tình yêu đó, hàng ngày phải chứng kiến bán đảo này phải oằn mình gánh chịu đủ loại rác thải, từ vỏ lon, hộp nhựa, ni lông, anh Trung quyết định… đi nhặt rác.

“Có duyên vào những năm 2006, khi mình đi du lịch bán đảo Sơn Trà, lúc đó ít rác thôi, sau đó năm 2011, mình trở lại thì thấy rác nhiều hơn và bắt đầu mình thấy rằng cần phải làm một việc gì đó để không vấy bẩn màu xanh của Sơn Trà cũng như là bảo vệ môi trường”, anh Trung chia sẻ.

Cứ thế, trung bình mỗi tuần 3 ngày, người đàn ông gốc Hội An lại lang thang tìm rác khắp các nẻo đường thuộc bán đảo Sơn Trà. Vỏ chai, túi ni lông, quần, áo, nón, mũ… anh nhặt được không thiếu thứ gì. Anh Trung kể, có thời gian, vì bận việc ít lên, rác chất thành đống. Thế là, hơn 11 năm nay, sau những công việc bận rộn mưu sinh lo cho gia đình, anh Trung đều dành thời gian đi nhặt rác ở khu vực quanh bán đảo này.

Đặc biệt, không chỉ nhặt rác ở trên bờ, anh Trung còn lặn biển… nhặt rác. Nếu như giờ đây, người ta có ý thức hơn trong việc “không để lại rác” thì dưới đại dương, việc làm sạch lại trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Lặn biển để nhặt rác là công việc hàng ngày mà anh Trung thường làm - Ảnh VOV5

Hơn 11 năm làm công việc không giống ai này, anh Trung cũng đã trải qua nhiều lần gặp nguy hiểm. Nhưng vì niềm yêu thích với biển cả, anh vẫn chấp nhận và càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn.

Anh Trung cho biết, nhặt rác ở dưới nước đòi hỏi phải có kỹ năng bơi, lặn. Việc quan trọng nhất là phải hiểu rõ khu vực cần lặn để nhặt rác như lòng bàn tay, từ vị trí các vỉa đá nhô ra biển cho đến các rạn san hô sống, những luồng nước, luồng cá... Đặc biệt, dù giỏi bơi lặn đến đâu và có phương tiện hỗ trợ cũng không chủ quan khi lặn, bởi việc ưu tiên hàng đầu vẫn là an toàn cho mình trước khi làm được việc gì đó:

"Lặn rác ở dưới nước khó hơn rất nhiều, nhất là khó thở. Thứ 2, lặn để nhặt rác phải có kỹ năng bơi lội tốt, không những thế thì phải biết lặn, lặn thì hơi phải dài, phải biết chỗ nào có dòng nước xoáy, dòng nước chảy, chỗ nào có sóng, sóng nó giật mình vào chỗ đá thì phải làm sao.

Khi nhặt rác từ 5mm trở lên thì áp suất rất nặng cho nên phải biết cách điều áp và mình phải biết cách giữ hơi, không bị đuối, nếu mình ham quá thì sẽ bị thiếu oxy não, bị bất tỉnh ngay dưới nước, rất nguy hiểm”

Những ngày nghỉ, anh Trung đi nhặt rác ở trong rừng, ở các khe suối - Ảnh VOV5

Hơn 11 năm nhặt rác, không lần nào đi mà về tay không, nhưng điều đó không làm anh Trung cảm thấy nản, hành động ý nghĩa của anh dần lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của các bạn trẻ, các câu lạc bộ. Thậm chí, nhiều người còn thường gọi vui anh bằng cái tên “Giám đốc mê nhặt rác”.

“Khi người ta hay gọi mình là thánh rác hay giám đốc mê nhặt rác thì cũng là một cách người ta dành sự tôn trọng cho mình. Đó là sự công nhận của xã hội, mình cũng thấy rất là thú vị. Cảm ơn cộng đồng đã dành cho mình cái tên rất là dễ thương”, anh Trung nói.

Những năm qua, nhận thấy hành động của anh Trung vô cùng thiết thực, nhiều cá nhân, tổ chức đã chung tay, góp sức làm sạch biển Đà Nẵng. Anh Phan Thanh Tin, Giảng viên Trường ĐH Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB bơi lội Quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết, mục đích của việc tham gia nhặt rác dưới biển là giúp cho các bạn nhỏ từ 8-18 tuổi trong CLB yêu thiên nhiên, yêu biển hơn, góp sức, chung tay làm sạch môi trường biển, đồng thời, việc này cũng giúp các em hoà nhập hơn với thiên nhiên và có thêm kỹ năng bơi lặn:

“Thường các bạn rất phấn khích, thích thú, các bạn có thể thể hiện kỹ năng bơi lặn, chung tay làm sạch môi trường. Chẳng hạn như những rác mà nó mắc dưới san hô thì các bạn cũng cố gắng lặn xuống để gỡ những cái rác hoặc dây thừng mà người ta giăng ra để giải cứu san hô. Phụ huynh cũng rất đồng lòng với việc làm của các con và ủng hộ rất nhiều, chẳng hạn như ủng hộ xe, hay ủng hộ bánh, nước, cũng có những phụ huynh mua lại những rác nhặt được”

Nhờ những hành động thiết thực của anh Trung và sự chung tay từ cộng đồng mà vẻ đẹp của bãi biển Đà Nẵng luôn được bảo vệ. Giờ đây, bên cạnh việc kêu gọi mọi người cùng chung tay vì hành tinh xanh, anh Trung cũng đã lồng ghép hoạt động này vào các tour du lịch của công ty mình.

Với mỗi chuyến tham quan, anh Trung đều trang bị cho du khách những thiết bị lặn chuyên dụng, dụng cụ vớt rác thải cùng giỏ đựng và các trang bị liên quan và hướng dẫn du khách dành ra 15 phút để thu gom rác thải tại điểm đến. Bên cạnh hoạt động đó, công ty của ông còn triển khai hoạt động đổi túi ni-lông thành túi cói để bảo vệ môi trường, tránh tình trạng khách bỏ quên tại các khu vực biển, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường:

“Mình yêu thiên nhiên, môi trường. Mình thích môi trường trong sạch, môi sinh sạch sẽ để chúng ta có một môi trường thật là đáng sống, sức khoẻ của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi tác động của ô nhiễm môi trường và đặc biệt là rác thải.

Và để truyền đi thông điệp rằng, các bạn muốn bảo vệ môi trường thì điều đầu tiên là chúng ta hãy là người làm việc đó trước tiên, rồi lan toả ra gia đình, cơ quan, cộng đồng, xã hội, thì môi trường sẽ tốt hơn, đáng sống hơn. Thì đó là cái động lực, lý do tới hôm nay mình vẫn duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường trên bờ hoặc dưới nước”

Ngày nào anh Trung cũng dành 1 tiếng để lặn biển...để nhặt rác- Ảnh Phương Cúc

Các bạn thân mến!

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.