Hội thề Trung Hiếu – Gần nghìn năm vang vọng giữa đất Thăng Long

“Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, thần linh chu diệt” – Đó là lời thề trong Hội thề trung hiếu từ thời nhà Lý. Trải ngàn năm, những câu chuyện về đức trung, hiếu, thanh liêm vẫn đầy tính thời sự.

Tại đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) ngày nay, cứ ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân kẻ Bưởi mở hội làng để nhắc nhớ hậu thế về một nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Đền Đồng Cổ, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa

Về làng Đông - kẻ Bưởi xưa, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội những ngày đầu tháng 4 âm lịch, dân làng tất bật chuẩn bị hội thề, cờ hoa trang trí sáng một góc nơi có ngôi đền cổ thờ vị thần Đồng Cổ với hội thề có 1-0-2 ở Hà Nội.

Hội làng năm nay to hơn bởi kỷ niệm 995 năm Lễ hội truyền thống đền Đồng Cổ năm 2023 và công bố Quyết định ghi danh “Hội thề Trung Hiếu” vào danh mục Di sản văn hoá phi vậy thể cấp quốc gia năm 2023.

Ông Hoàng Phạm Mưu (87 tuổi) – trưởng ban quản lý di tích đền Đồng Cổ phấn khởi nói: “Chính lời thề linh thiêng ấy, nhân dân Đông Xã chúng tôi hàng năm tổ chức hội thề trung hiếu để nhắc nhở mọi người là: làm con phải có hiếu với ông bà bố mẹ tổ tiên; làm dân phải biết yêu xóm làng yêu quê hương yêu tổ quốc; làm quan phải biết chăm lo đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đó là đạo lý của dân tộc Vn ta có truyền thống nhớ nguồn”.

Nước ta có hai nơi thờ thờ “Đồng Cổ Đại Vương". Một là đền Đồng Cổ, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nơi còn lại chính là ngôi đền thuộc làng Đông Xã - Thăng Long xưa, nay là địa chỉ 353 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Các giá trị về lịch sử, về kiến trúc và các cổ vật đền Đồng Cổ
---

Trải qua biến thiên lịch sử, đền Đồng Cổ xây dựng từ thời Lý không còn giữ được nguyên gốc và đã nhiều lần tu sửa, trùng tu, nhưng vẫn giữ được nhiều dấu tích xưa. 

Ngoài các giá trị về lịch sử, về kiến trúc và các cổ vật, đền Đồng Cổ ở quận Tây Hồ còn lưu giữ một giá trị di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn, đã tồn tại 995 năm nay, đó là Hội thề Đồng Cổ.

Nói thêm về Hội thề đặc sắc của Thăng Long xưa, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Hội thề này xuất phát từ đời Lý kéo sang đời Trần, rồi đời Nguyễn bị ngắt và sau này bị chìm đắm đi không ai khôi phục. Phải nói đó là khoảng lặng đáng tiếc trong lịch sử Việt Nam. Nhưng cũng rất may sau khi đất nước đổi mới, năm 2000 UBND quận Tây Hồ đã khôi phục lại hội thề đồng cổ này.

Có thể nói đây là một trong những hội thề vô cùng độc đáo ở Việt Nam và Hà Nội từ xưa tới nay. Nó độc đáo ở chỗ là từ xưa tới nay theo quan niệm phong kiến thì bề tôi phải trung với vua, con phải trung với cha là luật bất thành văn. Thế nhưng ở hội đền đồng cổ này các quan ở trong triều phải tập trung trong thành và phải thề rất là rõ ràng, nếu thề xong không làm được thì người đấy sẽ bị trời chu đất diệt”.

---

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, hàng năm ngày 4/4, tể tướng và trăm quan của triều Lý mặc nhung phục ra cửa Tây kinh thành đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu. Quan trung thư kiểm chính đọc lời thề. Đọc xong, quan tể tướng đóng cửa lại để điểm, người nào thiếu mặt thì phạt năm quan tiền.

Hiểu được ý nghĩa của Hội thề cũng như giá trị của từng lời thề, dân làng Đông Xã ngày nay đã cùng nhau khôi phục lại hội thề như chia sẻ của ông Hà Tiến Nhâm – Phó ban quản lý di tích đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội:

“Lời thề này nó vang từ hồi đó tới bây giờ. Cái hay nhất quý giá nhất là hội thề từ năm 1028. Chúng tôi nghĩ hội thề này nó luôn luôn đúng trong mọi xã hội đều phải trung và hiếu. Anh phải trung với đất nước và người con trong gia đình phải có chữ hiếu chứ. Chữ trung và chữ hiếu ở đây có giá trị tuyệt vời và đúng với mọi nơi mọi chỗ. Khi chúng tôi tiếp thu được cái này và mới thấy giá trị của nó. Chúng tôi bắt đầu phát huy từ năm 1991 cho tới bây giờ”.

Và nó sẽ còn được nối dài qua từng thế hệ của làng Đông bây giờ. “Tôi được nghe bố tôi quê gốc tại đây và nằm trong hội người cao tuổi và từng hoạt động những năm 80,90 của hội thề này. Ngay từ nhỏ chúng tôi được học điều này qua việc các cụ truyền dạy lại” – Chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Hùng (68 tuổi) – Bí thư chi bộ tổ dân phố số 6 phường Bưởi.

Đền Đồng Cổ ở quận Tây Hồ còn lưu giữ một giá trị di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn, đã tồn tại 995 năm nay, đó là Hội thề Đồng Cổ.

Còn với ông Phạm Ngọc Hoàng (74 tuổi) – Bí thư chi bộ tổ dân phố số 7 thì mỗi ngày hội thề là cơ hội để ông dạy cho con cháu về lịch sử làng mình: “Để các cháu thể hiện tấm lòng của mình với tiền nhân và cùng dự lễ hôi để các cháu biết đc ý nghĩ lịch sử của đền để các cháu thấm dần. Mai kia chính các cháu là những người kế tục và tiếp tục phát huy giá trị di sản”

Ngày 20 và 21/5 năm nay, lần đầu tiên Hội thề Trung Hiếu được tổ chức cấp quận và đón nhận bằng Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đó là điều mà những người làm công tác văn hoá tại địa phương đều mong mỏi như chia sẻ của ông Mưu – trưởng ban di tích:

"Gắn bó nhất là mình làm công tác di tích là một ngôi đền thiêng mà có lời thề trung hiếu để giáo dục không chỉ gia đình mình mà cả các con cháu để sau này nó phải theo cái của mình. Đến giờ phút này đã tập hợp đầy đủ các cháu ra rước kiệu với tinh thần là trai tân. Đấy là cái phấn khởi nhất của cuộc đời làm di tích. Mọi năm thì nhờ trường Đông Đô học sinh, nhưng năm nay vận động được nhân dân ra đầy đủ. Và đấy là cái mà mình nghĩ là nhân dân đã nghĩ tới lịch sử làng mình”.

Trong gần 500 di sản văn hoá phi vật thể, Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng. Đó là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống, sống trong đời sống đương đại.

Những người làm công tác văn hoá mong mỏi ngày hội này sẽ lan toả được nhiều hơn nữa, không chỉ dân làng Đông và vùng kẻ Bưởi. Mà cả Hà Nội ngày nay và nhiều tỉnh thành khác sẽ biết tới một lễ hội truyền thống của triều đình phong kiến còn vang vọng mãi…