Học phí an toàn, bao nhiêu là đủ?

Trong lúc doanh nghiệp còn chần chừ về tác dụng của chiếc cabin tập lái, thị trường chưa có thiết bị đạt chuẩn, cơ quan quản lý cần có lý giải một cách khoa học, rõ ràng cũng như đưa ra những kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp yên tâm thực hiện.

Ảnh nh họa

Vì sao TNGT ở nước ta vẫn ở mức cao, dù đã hơn 1 thập kỷ quyết liệt triển khai rất nhiều giải pháp? Nguyên nhân hàng đầu luôn được xác định là bởi ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng lái xe.

Vì sao nhiều người chưa chấp hành pháp luật về giao thông? Ngoài các yếu tố “gây nhờn”, chủ yếu vẫn do người lái xe không hiểu rõ lý do của các quy định, cho đến khi họ trở thành “thủ phạm” hoặc “nạn nhân” của TNGT.

Những thứ đó, người lái xe đã có thể nhìn thấy trước bằng tình huống giả lập trên máy tính mà không cần phải đợi đến khi hậu quả thật xảy ra.

Tương tự, vì sao kỹ năng tham gia giao thông của nhiều người còn kém, mặc dù chương trình đào tạo lái xe nước ta được cho là đã tiệm cận với thế giới?

Là bởi, 40 giờ học đường trường vẫn là quá ít để tích lũy kỹ năng. Việc học đường trường có thầy dạy lái khác rất nhiều so với việc người lái xe phải một mình tự “đọc” tình huống và tự xử lý.

Hơn nữa, ngay cả 40 giờ học đường trường, thì sau khi lấy bằng xong, người học vẫn rất lạ lẫm với lái xe trên cao tốc, vẫn phải mất không ít thời gian để quen với thao tác lái trong các điều kiện thời tiết, ánh sáng khác nhau, vẫn hoàn toàn xa lạ với đường đèo dốc.

Những sự khác biệt này, họ có thể trải nghiệm một phần nhờ công nghệ mô phỏng tình huống trên thiết bị học lái.

Kiến thức về biển báo, về quy tắc giao thông cũng đều có thể được mô phỏng trên máy tính thông qua tình huống, để người học hiểu rõ lý do, làm quen với các cảm nhận đến điểm nào thì bắt đầu xử lý phanh, đoạn nào bắt đầu đánh lái… Những điều này, phương pháp trắc nghiệm bằng cách tích vào đáp án như hiện nay, không thể mang lại.

Không ngẫu nhiên mà thiết bị mô phỏng lái xe được áp dụng trong quá trình đào tạo ở nhiều nước trên thế giới. Ưu việt của công nghệ mở ra lợi thế khắc phục những điểm còn yếu trong đào tạo lái xe. Vì thế, sự hữu dụng của thiết bị này, không nên vội vàng phủ nhận.

Cũng không cần quá lo ngại về nguy cơ sẽ cho “ra lò” một lớp tài xế mang kỹ năng “ảo” như game thủ, nếu học lái trên cabin. Vì đây chỉ là một trong phương pháp, mang tính bổ trợ để nâng cao hiệu quả của chương trình. Cả cơ quan quản lý, người dạy và  người học đều hiểu rằng, thực tế giao thông phong phú và phức tạp hơn rất nhiều.

Còn về học phí, cứ cho là nếu các trường dạy lái trang bị cabin, người học có khả năng phải trả phí cao hơn. Nhưng thực tế, lâu nay tổng học phí bỏ ra để một người có thể lái xe an toàn không dừng lại ở con số năm triệu, bảy triệu, mà cao hơn gấp nhiều lần. Nhiều người đã và đang bỏ tiền thuê giáo viên kèm thêm đường trường, cho tới khi họ tự tin vào tay lái.

Số khác không chọn cách này mà tự học, tự lái cho quen, học phí có thể được “trả góp” qua các lần sửa xe do va chạm, bồi thường do tai nạn, hoặc tệ hơn nữa, là học phí tính bằng số năm bị mất tự do cho những hậu quả nặng nề họ đã gây ra.

Vì thế, mặc dù chia sẻ với khó khăn của trung tâm đào tạo lái xe, nhưng một khi đã xác định rõ lý do, mục đích của việc quy định đưa cabin tập lái vào đào tạo, cơ quan quản lý nên giải thích rõ và kiên định lập trường này. Sự điều chỉnh lùi thời gian để các trung tâm kịp chuẩn bị là cần thiết. Việc triển khai thí điểm từng bước trước khi nhân rộng cũng nên cân nhắc tính toán, để tránh cấp tập và hồ nghi.

Học phí để “mua” lấy sự an toàn, không thể nói bao nhiêu là đủ. Điều khiển một chiếc ô tô tham gia giao thông, là người cầm vô lắng nắm giữ sinh mạng của rất nhiều người. Chỉ một ấu trĩ về nhận thức pháp luật, một chút nông nổi về hành vi, một sự lúng túng và non kém trong xử lý, có thể dẫn đến thảm họa.

Và khi đó, mọi so sánh về mức đầu tư cho đào tạo thấp hay cao, về học phí đắt rẻ, sẽ là hoàn toàn vô nghĩa./.