Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Có nên tiếp tục lùi thời hạn áp dụng cabin tập lái?

Quách Đồng - 25/10/2022 | 16:49 (GTM + 7)

Đến thời điểm này, đa số trung tâm đào tạo lái xe đều chưa trang bị cabin tập lái, dù thời gian không còn nhiều. Trong khi đó, Cục Đường bộ Việt Nam không có thông tin chính thức về việc có tiếp tục lùi thời hạn áp dụng hay không.

Việc đào tạo lái xe sẽ ra sao nếu doanh nghiệp chậm trang bị cabin khi đến thời điểm áp dụng. Vậy, có nên tiếp tục lùi thời hạn áp dụng cabin tập lái, hay thực hiện thí điểm trước khi thực hiện đại trà?

Càng gần đến thời hạn áp dụng quy định trang bị cabin tập lái, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề đào tạo lái xe Đức Thịnh (Hà Nôi) càng lo lắng khi không tìm đâu ra nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Ông Hải tính toán, mỗi bộ cabin có giá 400-500 triệu đồng, với Trung tâm sát hạch lái xe ô tô Đức Thịnh sẽ phải bỏ ra số tiền đầu tư từ 10-15 tỷ đồng cho khoảng 20-30 cabin: "Hệ thống cabin thì chưa, vì đang tìm hiểu, phải có ông nào kiểm chuẩn, đủ điều kiện, hai nữa phải có 2-3 ông để đấu thầu thì mới xem ông nào giá cả hợp lý thì mua, vì số lượng tiền cũng lớn, tùy theo số lượng tuyển sinh chắc cũng vào khoảng 20 cái, khoảng 10 tỷ".

Học viên lái xe học thực hành lái xe trên cabin điện tử. Ảnh: VOV

Học viên lái xe học thực hành lái xe trên cabin điện tử. Ảnh: VOV

Là một trong số ít trung tâm đào tại lái xe đã trang bị được 3 cabin mô phóng phục vụ công tác đào tạo lái xe, song Trung tá Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, theo quy định, một học viên phải học ít nhất 4 giờ trên ca bin, như vậy, với lưu lượng hơn 1.000 học viên, Trung tâm đào tạo lái xe Phòng cháy chữa cháy phải đầu tư hơn 10 cabin, tốn khá nhiều chi phí:

"Về kinh phí đầu tư trên 10 cabin thì trên 4 tỷ đồng, đối với Trung tâm thì một cơ sở phục vụ đào tạo cũng là một cái khó khăn. Đặc biệt sau những năm công tác phòng chống dịch, rất khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, kèm với đó phải đầu tư phòng thi mô phỏng nữa thì càng nhiều khó khăn", Trung tá Nguyễn Thành Trung cho biết.

Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cũng cho hay, đến thời điểm này, đơn vị cũng mới kêu gọi và được 2 doanh nghiệp đến chào hàng thiết bị cabin mô phỏng. Tuy vậy, các cabin này cũng chưa được chứng nhận hợp quy, nên cũng chưa đầu tư thiết bị nào, dù thời hạn không còn nhiều:

"Vừa rồi học viên đã thi bằng phần mềm mô phỏng trên máy tính, nó đã khái quát tất cả các tình huống giao thông phức tạo ngoài đường để học viên nhìn nhận. Có phần mềm ấy rồi thì nên bỏ cabin điện tử, vì bản chất cũng chỉ để học viên trải nghiêm đang đi gặp chướng ngại vật thì phải phanh lại, nhưng vấn đề là giữa phanh trên mô hình và thực tế khác nhau, không cần đến mức phải đầu tư hàng mấy trăm triệu, ngang bằng cái ô tô", ông Toản cho biết.

Cabin đào tạo lái xe giúp học viên nhận diện tình huống giao thông trên đường, nâng cao kỹ năng lái xe an toàn - Ảnh: Người lao động

Cabin đào tạo lái xe giúp học viên nhận diện tình huống giao thông trên đường, nâng cao kỹ năng lái xe an toàn - Ảnh: Người lao động

Ông Lại Thể Chất, Giám đốc công ty cổ phần Thành Đạt (Thái Bình) cũng cho rằng, hiện thiết bị này chưa được thử nghiệm để đánh giá tác dụng đến đâu, sự cần thiết thế nào. Do vậy, việc trang bị phần mềm và cabin điện tử vào quy trình đào tạo cần có lộ trình thí điểm, kiểm chứng và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà:

"Nguyện vọng của chúng tôi là để đầu tư vào một vài đơn vị để thử nghiệm, nếu đem lại kết quả giữa người học mô phỏng với người không học mô phỏng mà có sự khác biệt về chất lượng thì lúc ấy chúng ta mới nên áp dụng đại trà", ông Chất nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dù Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử, nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy cung cấp ra thị trường.

Mặt khác, chi phí cho một bộ cabin điện tử khoảng 400 - 450 triệu đồng, ngang với số tiền đầu tư xe ô tô tập lái. Trong bối cảnh chưa biết hiệu quả của loại thiết bị này thế nào, chưa có thiết bị hợp quy đã phải bỏ ra số tiền lớn nên hầu như chưa có cơ sở đào tạo nào áp dụng. do vậy, cần cho phép lùi thời hạn áp dụng để có thử nghiệm, đánh giá, nếu cabin điện tử thực sự hiệu quả mới áp dụng đại trà, tránh được lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho xã hội:

"Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn của cabin điện tử, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào được công nhận có sản phẩm hợp quy để cung ứng ra thị trường. Các đơn vị muốn đấu tư cũng chưa biết đầu tư loại cabin nào hay của nhà cung ứng nào để phù hợp với yêu cầu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước", ông Quyền nói.

Báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho thấy, đến nay, chưa có đơn vị có đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm ca bin học lái xe ô tô, cũng như chưa có sản phẩm được chứng nhận sự phù hợp Quy chuẩn. Do đó, Cục Đường bộ VN cũng thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe, đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô.

carbin_trong_day_lai_xe

Không phải vô cớ khi cơ quan quản lý đề ra yêu cầu trang bị cabin tập lái để người học lái xe làm quen với các tình huống giao thông trên đường. Do vậy, trong lúc doanh nghiệp còn chần chừ về tác dụng của chiếc cabin này, thị trường chưa có thiết bị đạt chuẩn, cơ quan quản lý cần có lý giải một cách khoa học, rõ ràng cũng như đưa ra những kế hoạch cụ thể để doanh nghiệp yên tâm thực hiện.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "Học phí an toàn, bao nhiêu là đủ?".

 

Vì sao TNGT ở nước ta vẫn ở mức cao, dù đã hơn 1 thập kỷ quyết liệt triển khai rất nhiều giải pháp?

Nguyên nhân hàng đầu luôn được xác định là bởi ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng lái xe.

Vì sao nhiều người chưa chấp hành pháp luật về giao thông? Ngoài các yếu tố “gây nhờn”, chủ yếu vẫn do người lái xe không hiểu rõ lý do của các quy định, cho đến khi họ trở thành “thủ phạm” hoặc “nạn nhân” của TNGT.

Những thứ đó, người lái xe đã có thể nhìn thấy trước bằng tình huống giả lập trên máy tính mà không cần phải đợi đến khi hậu quả thật xảy ra.

Tương tự, vì sao kỹ năng tham gia giao thông của nhiều người còn kém, mặc dù chương trình đào tạo lái xe nước ta được cho là đã tiệm cận với thế giới?

Là bởi, 40 giờ học đường trường vẫn là quá ít để tích lũy kỹ năng. Việc học đường trường có thầy dạy lái khác rất nhiều so với việc người lái xe phải một mình tự “đọc” tình huống và tự xử lý.

Hơn nữa, ngay cả 40 giờ học đường trường, thì sau khi lấy bằng xong, người học vẫn rất lạ lẫm với lái xe trên cao tốc, vẫn phải mất không ít thời gian để quen với thao tác lái trong các điều kiện thời tiết, ánh sáng khác nhau, vẫn hoàn toàn xa lạ với đường đèo dốc.

Những sự khác biệt này, họ có thể trải nghiệm một phần nhờ công nghệ mô phỏng tình huống trên thiết bị học lái.

Kiến thức về biển báo, về quy tắc giao thông cũng đều có thể được mô phỏng trên máy tính thông qua tình huống, để người học hiểu rõ lý do, làm quen với các cảm nhận đến điểm nào thì bắt đầu xử lý phanh, đoạn nào bắt đầu đánh lái… Những điều này, phương pháp trắc nghiệm bằng cách tích vào đáp án như hiện nay, không thể mang lại.

Không ngẫu nhiên mà thiết bị mô phỏng lái xe được áp dụng trong quá trình đào tạo ở nhiều nước trên thế giới. Ưu việt của công nghệ mở ra lợi thế khắc phục những điểm còn yếu trong đào tạo lái xe. Vì thế, sự hữu dụng của thiết bị này, không nên vội vàng phủ nhận.

Cũng không cần quá lo ngại về nguy cơ sẽ cho “ra lò” một lớp tài xế mang kỹ năng “ảo” như game thủ, nếu học lái trên cabin. Vì đây chỉ là một trong phương pháp, mang tính bổ trợ để nâng cao hiệu quả của chương trình. Cả cơ quan quản lý, người dạy và  người học đều hiểu rằng, thực tế giao thông phong phú và phức tạp hơn rất nhiều.

Còn về học phí, cứ cho là nếu các trường dạy lái trang bị cabin, người học có khả năng phải trả phí cao hơn. Nhưng thực tế, lâu nay tổng học phí bỏ ra để một người có thể lái xe an toàn không dừng lại ở con số năm triệu, bảy triệu, mà cao hơn gấp nhiều lần. Nhiều người đã và đang bỏ tiền thuê giáo viên kèm thêm đường trường, cho tới khi họ tự tin vào tay lái.

Số khác không chọn cách này mà tự học, tự lái cho quen, học phí có thể được “trả góp” qua các lần sửa xe do va chạm, bồi thường do tai nạn, hoặc tệ hơn nữa, là học phí tính bằng số năm bị mất tự do cho những hậu quả nặng nề họ đã gây ra.

Vì thế, mặc dù chia sẻ với khó khăn của trung tâm đào tạo lái xe, nhưng một khi đã xác định rõ lý do, mục đích của việc quy định đưa cabin tập lái vào đào tạo, cơ quan quản lý nên giải thích rõ và kiên định lập trường này. Sự điều chỉnh lùi thời gian để các trung tâm kịp chuẩn bị là cần thiết. Việc triển khai thí điểm từng bước trước khi nhân rộng cũng nên cân nhắc tính toán, để tránh cấp tập và hồ nghi.

Học phí để “mua” lấy sự an toàn, không thể nói bao nhiêu là đủ. Điều khiển một chiếc ô tô tham gia giao thông, là người cầm vô lắng nắm giữ sinh mạng của rất nhiều người. Chỉ một ấu trĩ về nhận thức pháp luật, một chút nông nổi về hành vi, một sự lúng túng và non kém trong xử lý, có thể dẫn đến thảm họa. Và khi đó, mọi so sánh về mức đầu tư cho đào tạo thấp hay cao, về học phí đắt rẻ, sẽ là hoàn toàn vô nghĩa./.

 

Ý kiến của bạn
Sửa đường phải đảm bảo an toàn

Sửa đường phải đảm bảo an toàn

Hiện nay, một số con đường tuyến phố khu vực nội thành Hà Nội đang tiến hành sửa chữa, lại mặt đường, nâng cấp, chỉnh trang hệ thống tổ chức giao thông như: biển báo giao thông, sơn vach đường;....Vấn đề được người dân quan tâm là việc đảm bảo an toàn giao thông mỗi khi lưu thông qua khu vực đang sửa chữa.

“Níu chân” người lao động, bài toán cuối năm của doanh nghiệp

“Níu chân” người lao động, bài toán cuối năm của doanh nghiệp

Đến hẹn lại lên, thời điểm cuối năm lại thường xảy ra tình trạng công nhân, lao động bỏ việc, nhảy việc hay rời phố về quê. Việc lao động nhảy việc, bỏ việc ở thời điểm cuối năm không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn để lại hậu quả sâu rộng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ca trù từng nức tiếng kinh thành Thăng Long xưa bởi đâu?

Ca trù từng nức tiếng kinh thành Thăng Long xưa bởi đâu?

Ca trù có nhiều tên gọi, tuỳ từng địa phương, từng thời điểm mà hát ca trù còn gọi là hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công.

An ninh mạng: Tấm khiên của niềm tin trên hành trình chuyển đổi số

An ninh mạng: Tấm khiên của niềm tin trên hành trình chuyển đổi số

Trong bối cảnh số hóa ngày càng sâu rộng, an ninh mạng đã trở thành yếu tố không thể thiếu. Đây không chỉ là “tấm khiên” bảo vệ người dùng, mà còn là nền tảng quan trọng để hành trình chuyển đổi số tại nước ta diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao nhất.

Cẩm nang cao tốc: Dùng điện thoại khi lái xe, đừng xem thường tính mạng

Cẩm nang cao tốc: Dùng điện thoại khi lái xe, đừng xem thường tính mạng

Thời gian qua, tình trạng lái xe sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện vốn đã không còn quá xa lạ trên mạng lưới giao thông đường bộ nước ta.

Khắc khoải Dù Kê

Khắc khoải Dù Kê

Sân khấu kịch Khmer Nam bộ đến nay có 2 loại hình chính là Rô - Băm và Dù Kê. Nếu như múa Rô - Băm xuất phát từ cung đình thì nghệ thuật Dù Kê vốn sinh ra từ nhân dân lao động.

Ngõ Thọ Xương, cái tên mang dấu cũ một thời xa xưa

Ngõ Thọ Xương, cái tên mang dấu cũ một thời xa xưa

Nhắc đến địa danh Thọ Xương, nhiều người nghĩ ngay đến câu ca: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương... Bây giờ, Hà Nội bvẫn còn đó một con ngõ nhỏ mang tên Thọ Xương, như để gợi nhắc đến huyện Thọ Xương, trung tâm thành Thăng Long xưa...

// //