Hiệp hội du lịch kiến nghị điều chỉnh lệnh tạm dừng hoạt động lễ hội

Ngày 5/2 vừa qua tại Hà Nội, Hiệp Hội du lịch Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến: “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) tới du lịch Việt Nam”.

Nhãn

Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch Việt Nam, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã tác động lớn đến ngành du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Công điện số 396/CĐ-BVHTTDL chỉ đạo Tạm dừng tất cả các lễ hội, kể cả các lễ hội đã khai mạc tại các tỉnh đã công bố dịch; Tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh. 

Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Việt Nam, tại Hà Nội, số lượng khách huỷ phòng tính đến ngày 4/2 là hơn 13.000 phòng, tương đương với hơn 16.000 khách; các hoạt động vận chuyển giảm từ 30-50%. Tại Huế, hoạt động du lịch giảm 10%. Tại Quảng Ninh, chỉ riêng hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long chỉ thu hút được 3.000 khách/ngày, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm trước. Du lịch của TP Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách sụt giảm gần 70%, hoạt động khách sạn chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trước tình hình này, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: dù đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, song ngay từ lúc này ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch, xúc tiến lại các thị trường trong nước và quốc tế, trong đó đặc biệt thúc đẩy du lịch nội địa. “Du lịch nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu sau khi hết dịch bệnh. Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Ông Phùng Quang Thắng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không bị dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với năng lực của công ty. Ngành du lịch cần quan tâm tới việc giữ gìn lực lượng nhân sự trong giai đoạn khủng hoảng thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới công tác quản lý… Đặc biệt, ngay bây giờ, xây dựng và chuẩn bị triển khai kế hoạch xúc tiến tại các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam để thu hút du khách ngay khi dịch bệnh được khống chế, không chờ dịch hết mới triển khai.

Được biết, tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh quy định tại Điểm 2 của Công điện này bởi các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh là yếu tố thu hút chủ yếu khách du lịch cả quốc tế và nội địa của du lịch Việt Nam.

Dịch bệnh do virus Corona chỉ tác động chủ yếu đến khách Inbound từ thị trường Trung Quốc. Các thị trường khác, Việt Nam vẫn đón khách, tuy số lượng bị giảm. Khách du lịch nội địa vẫn đến các điểm du lịch của các tỉnh chưa công bố dịch. Do đó, quy định trên đồng nghĩa với việc dừng toàn bộ hoạt động của ngành Du lịch.