Hành trình góp phần giảm rác thải của những cô gái khiếm thị

“Đổi túi nilon lấy nông sản” là hoạt động đặc biệt của một chuỗi cửa hàng sống xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, có tên Limart Zero Waste, do một nhóm các bạn nữ khiếm thị vận hành và thành lập từ năm 2018.

Đây là chương trình nhằm lan tỏa lối sống xanh, giảm rác thải đến mọi người, và nếu muốn tham gia, bạn chỉ cần mang túi nilon đã làm sạch đến cửa hàng, là sẽ được nhận về rau, củ, quả sạch.

Tương ứng với mỗi kí nilon sẽ đổi được 1 kí nông sản theo mùa.

“Đổi túi nilon lấy nông sản” là hoạt động đặc biệt của một chuỗi cửa hàng sống xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh, có tên Limart Zero Waste

Không những vậy, cửa hàng còn là nơi bày bán những đồ dùng thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng bằng tre, ống hút tre, sáp thơm, bánh xà phòng có chiết xuất từ thiên nhiên… phục vụ những người yêu thích lối sống xanh. Và đặc biệt, những sản phẩm tại đây đa phần đều là do chính tay những trẻ em khuyết tật làm ra.

Với mong muốn tạo ra tác động xã hội thông qua cung cấp giải pháp giảm rác thải ra môi trường, và tạo việc làm cho người yếu thế qua các sản phẩm thủ công, đó cũng là lý do mà cửa hàng có tên là Limart, “lim” là viết tắt của less is more. Mang thông điệp là thải ra ngoài môi trường ít rác thải hơn, để có thể mang đến cho cuộc sống của chúng ta nhiều điều tuyệt vời hơn.

Và cũng từ đây mà chương trình “đổi túi nilon lấy nông sản” của Limart đã ra đời. Chương trình đã được khởi động từ tháng 6 năm 2022. Những túi nilon sau khi nhận từ khách sẽ được phân loại thành hai dạng là dạng thường và tự phân hủy. Với bao nilon thường cửa hàng sẽ chuyển đến cho các bạn khuyết tật tại Nhà May Mắn. Đây là ngôi nhà chung tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh chuyên cưu mang những người khuyết tật, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sau khi được chuyển đến đây, bao nilon sẽ được cắt thành những sợi nilon dài và dệt ra những sản phẩm như ví, túi laptop,… Còn bao nilon phân hủy, cửa hàng sẽ chuyển cho một số đơn vị phụ trách tái chế lại, để tạo túi đựng rác mới. Và thêm một điều rất đặc biệt nữa từ chương trình này, đó là 80% lợi nhuận của cửa hàng sẽ được dùng để trao học bổng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ về những niềm vui khi điều hành dự án xanh này, bạn Ngô Thị Phương Linh, người chuyên  phụ trách vận hành của Limart kể rằng:

"Có những anh chị khi mà mang nilon tới cho tụi mình, mình có mang nông sản ra tặng thì anh chị từ chối, không nhận luôn. Các anh chị kêu vì các anh chị thấy đây là một dự án ý nghĩa, và anh chị muốn góp một phần sức mình thôi, chứ không phải đến đây để lấy hay đổi nông sản.

Có những em ở các trường đại học ấy, khi mà các em học các môn học liên quan đến tái chế hay bảo vệ môi trường, thì các em nghĩ ngay đến Limart luôn.

Các em đến cho tụi mình nilon rất là nhiều, rồi các em đến tham gia những buổi workshop ở đây. Không những thế các em còn mua những sản phẩm của tụi mình để giúp lan tỏa đến cho gia đình, bạn bè. Mấy em cũng kể những câu chuyện rất là vui, như là buổi sáng các em tới trường, thấy các bạn sinh viên khác đang ngồi ăn, là các em ấy mon men lại hỏi chuyện, rồi canh me khi mà các bạn ăn xong thì sẽ xin luôn những cái túi nilon đó.

Khi xin xong thì các em ấy còn nói với các bạn là, các bạn có thấy việc làm này ý nghĩa hay không, rồi chia sẻ giúp luôn về dự án".

Về nguồn nông sản phục vụ cho dự án, Phương Linh cho biết, cửa hàng thường xuyên nhận được hỗ trợ từ mạnh thường quân ở Đà Lạt và Đồng Nai. Đồng thời cửa hàng cũng phải trích một khoản tiền nhỏ từ doanh thu để mua nông sản.

Một điều khiến nhiều khách hàng thêm yêu mến và thích thú khi đến với Limart, là cửa hàng còn kinh doanh theo hình thức refill (hay còn gọi là làm đầy). Khi mà luôn khuyến khích khách hàng đem các chai, lọ có sẵn đến để mua những sản phẩm xanh như dầu gội, nước rửa chén, nước giặt… Các sản phẩm này đều được sản xuất từ việc lên men mầm đậu nành nên rất an toàn với môi trường.

Tuy nhiên, do bản thân là những người khiếm thị, nên đôi khi tư vấn, trao đổi hàng với khách, Phương Linh và các bạn của mình cũng sẽ gặp khó khăn. Chuyện xếp sai hàng hóa trên kệ, không thấy rõ hàng hóa khách trao đổi, hay làm đổ hàng là chuyện bình thường. Nhưng những khiếm khuyết trên cơ thể đó, chưa bao giờ ngăn bước những bạn trẻ đó vươn lên trong cuộc sống: 

'Khi vận hành, vì tụi mình là người khiếm thị hết nên cũng có rất nhiều khó khăn, trong khâu bán hàng, tự chụp hình rồi check tin nhắn của khách hàng. Vì tụi mình không có nhìn thấy nên là ví dụ như lúc khách tới mua hàng, lúc nói chuyện thì tụi mình không có nhìn thẳng vô người đối diện. Nghĩa là nếu bạn đứng trước mặt thì mắt tụi mình sẽ lại nhìn sang một hướng khác.

Nhiều khách không hiểu thì cứ nghĩ là tụi mình không có thân thiện, không có vui vẻ, nhưng thực ra là cái ánh nhìn của mình do thị lực kém, nên nó là như vậy. Rồi đôi khi tụi mình cũng có tính tiền lộn, nhưng có nhiều anh chị cũng rất là dễ thương, thấy như vậy thì bảo thôi có gì để chị tính hộ em cho nó dễ hơn. Rồi check tin nhắn cho khách thì đôi khi cũng chậm hơn chút xíu".

Trong tương lai, Phương Linh và những người bạn của mình mong muốn mỗi quận, huyện ở TP.HCM, hay nhiều tỉnh thành trên cả nước, sẽ đều có thể có một cửa hàng như thế này, để vừa là nơi mọi người có thể ghé đổi túi nilon lấy nông sản, vừa có thể cùng mua những vật phẩm thân thiện môi trường, để từ đó trao thêm nhiều cơ hội được phát triển bình đẳng cho những người yếu thế trong xã hội. 

---

Các bạn thân mến, nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.

Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.