Hàn gắn đứt gãy giáo dục cho hàng trăm trẻ nhỏ

Mỗi chiếc máy tính có thể giúp hàn gắn một vết đứt gãy giáo dục trong đại dịch COVID-19, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận kho tri thức mở.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Mỗi chiếc máy tính có thể giúp hàn gắn một vết đứt gãy giáo dục trong đại dịch Covid-19, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tiếp cận kho tri thức mở - Ảnh nh họa Danviet.vn

Chỉ một tháng sau khi được chính thức phát động, chương trình Sóng và máy tính cho em phát động trên toàn quốc đã đạt được những dấu mốc rất đáng ghi nhận.

Hơn 89 tỷ đồng, hơn 12.550 máy tính bảng, hơn 16.000 điện thoại thông nh cùng khoảng 74.500 thiết bị hỗ trợ học tập khác đã được huy động từ các cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức, để đến với các em học sinh trên cả nước.

Với sự cảm kích không nhỏ khi được nhận máy, Nguyễn Trường Sinh, học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Phong, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng chia sẻ: "Trước đây, không có máy để học trực tuyến, em phải sang nhà bạn học nhờ. Hôm nay được nhận hỗ trợ của các cô chú, em rất vui và cảm ơn các cô chú rất nhiều. Món quà này sẽ giúp em cố gắng học tập tốt hơn".

Chương trình cũng là sự cổ vũ lớn lao, là sự xác nhận một nhu cầu có thật. Chính vì thế, sau lễ phát động, "Sóng và máy tính cho em" đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đông đảo các tầng lớp xã hội. Có những cộng đồng trực tiếp tham gia, chung tay góp sức. Lại có những nhóm cá nhân âm thầm hành động, như dự án "Laptop cho em" của một nhóm tình nguyện viên ở Hà Nội.

Như chia sẻ của Đậu Thị Huyền, còn gọi là Huyền Machi, cô gái đưa ra ý tưởng này:

"Chúng mình thu gom những chiếc laptop cũ, chậm, hỏng, lỗi mà mọi người không dùng nữa để thay thế linh kiện, sửa chữa đảm bảo cho máy chạy ổn định, đáp ứng nhu cầu học online sau đó tặng cho các bạn nhỏ khó khăn không có thiết bị học online.

Chúng mình sẽ cố gắng sửa những máy lỗi nhẹ, máy lỗi nặng thì sẽ mang ra thợ vì bản thân chúng mình không phải thợ sửa chuyên nghiệp mà chỉ biết về kỹ thuật do đam mê tìm hiểu thôi. Những máy hỏng nặng quá không thể sửa chữa tụi mình sẽ rã máy lấy linh kiện để thay thế cho những chiếc hỏng nhẹ có thể chạy được, tiết kiệm chi phí mua linh kiện thay thế.

Những chiếc máy đảm bảo mang đi tặng là máy đã test chạy ổn định, có thể chấp nhận các lỗi nhỏ như mất 1-2 phím không quan trọng, không có webcam, hỏng loa.... Chúng mình sẽ cố gắng khắc phục bằng cách thay thế các thiết bị cắm ngoài như webcam, tai nghe và ghi chú về lỗi của máy khi tặng.

Máy sau khi sửa chữa sẽ được tặng thông qua một tổ chức khác hoặc tụi mình trực tiếp đi tặng nhưng đều phải xác nh hoàn cảnh. Chúng mình tặng máy cho các bạn nhỏ khó khăn chưa có và không có khả năng mua thiết bị điện tử, ham học hỏi để đảm bảo sử dụng máy hiệu quả nhất. Hiện nay chúng mình đã gửi máy tặng qua các tổ chức, dự án cộng đồng như Blue Dragon, Mỗi ngày 1 quả trứng, Teach for Vietnam, Ngôi nhà bình yên, Sở giáo dục Hưng Yên, Thành đoàn Hà Nội, Fly to Sky...

Hiện tại mình đã nhận được khoảng 700 máy, sửa và tặng hơn 200 máy, đã nhận được ủng hộ tiền cho việc vận chuyển máy và mua linh kiện, sửa chữa.

Tất cả máy nhận được dù sửa được hay không đều được công khai, máy sửa được tặng bạn nào cũng được công khai và cập nhật liên tục. Tiền nhận được ủng hộ và chi như thế nào cũng được công khai sao kê cập nhật liên tục. 

Đến cuối tháng 11/2021, dự án đã mang đến hơn 200 chiếc máy tính, điện thoại trao tặng cho các bạn nhỏ".

Ảnh nh họa Danviet.vn

'Qua việc kết nối với các tổ chức xã hội, các chương trình như Ngôi nhà bình yên, Teach for Vietnam, dự án thấy được nhiều hơn những khó khăn của trẻ. Có những em nhỏ không chỉ thiếu thốn về điều kiện vật chất, các em còn là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em còn là nạn nhân bị xâm hại, phải chứng kiến hoặc bị bạo lực bởi chính người ruột thịt trong gia đình…

Và mỗi thiết bị học tập đến tay, phần nào đã giúp vơi bớt thiệt thòi của các em trong cuộc sống.    

Với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nếu không có ai đưa tay ra để dẫn chúng đi, chúng sẽ ở dưới đáy xã hội và sẽ lớn lên như vậy.

Chúng tôi muốn cắt vòng xoáy hàng thế hệ ấy đi, dẫn những đứa trẻ ấy về hướng hòa nhập xã hội, trở thành công dân có ích. Mục tiêu số 1 của chúng tôi là giúp tất cả trẻ em khó khăn được đi học', bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI đã chia sẻ như vậy về những công việc đã làm từ nhiều năm qua.

PV: Bà nghĩ sao về cách thức mà dự án Laptop cho em thực hiện cũng như rất nhiều dự án kêu gọi thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

Bác sĩ Khuất Hải Oanh: Tôi đánh giá rất cao dự án này ở khía cạnh thứ nhất là về hiệu quả trong việc hỗ trợ các trẻ em mà gặp khó khăn.

Trong đợt giãn cách xã hội cũng như là trong tình trạng trẻ em phải học online như thế này, rấtnhiều trẻ em trong các gia đình nghèo không có phương tiện để tiếp tục theo học.

Một máy tính hay chiếc điện thoại di động là phương tiện để giúp các em có thể kết nối với nhà trường và có thể tiếp tục theo học nhưng mà rất nhiều trẻ em trong gia đình nghèo thì không có cái điều kiện đó.

42 laptop mà các bạn trao tặng cho các em trong dự án Mỗi ngày một quả trứng của chúng tôi đã mang lại cơ hội học hành, các cơ hội được tiếp tục kết nối với trường lớp, với bạn, với thầy cô của trẻ em nghèo ở 42 gia đình.

Điều này nó vô cùng có ý nghĩa tới các gia đình nghèo vì giáo dục là con đường duy nhất để cắt đứt vòng xoáy đói nghèo, để cho gia đình có thể thoát ra khỏi tình cảnh đói nghèo truyền kiếp. Khía cạnh thứ hai thì cái dự án Laptop cho em là một dự án hoàn toàn tình nguyện của các bạn trẻ.

Các bạn trẻ tự đứng lên để kêu gọi những người trẻ khác.

Một số thì tình nguyện đóng góp laptop đã qua sử dụng của mình thì một số bạn thì lại tình nguyện để sửa chữa, lắp ráp. Nên ở đây nó có ý nghĩa của sự đoàn kết và nó thể hiện sự đoàn kết của người Việt Nam mình cũng như là tính trách nhiệm cộng đồng của các bạn trẻ. 

PV: Theo bà, những mô hình nhỏ như Laptop cho em, hay Mỗi ngày một quả trứng có nên được mở rộng lan tỏa một cách rộng rãi hơn mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn?

Bác sĩ Khuất Hải Oanh: Chúng tôi nghĩ nhiều ngọn lửa thì sẽ làm nên những đống lửa. Những mảnh ghép sẽ làm nên một bức tranh. Bây giờ nếu mà cứ chờ đợi để có những chương trình lớn thì còn rất lâu các trẻ em khó khăn mới có thể tiếp cận được.

Những dự án nhỏ như là “Mỗi ngày một quả trứng” thì có thể mang đến sự hỗ trợ ngay lập tức sau một thời gian rất ngắn đến cho các em. Nếu như mà có nhiều dự án như vậy, nếu như các bạn trẻ được khơi lên tinh thần thiện nguyện với tinh thần chia sẻ khắp tất cả mọi nơi thì chúng ta sẽ có nhiều trẻ được hỗ trợ.

Không nhất thiết là chúng ta phải có một dự án lớn, thay vì có một dự án lớn, một chương trình lớn thì chúng ta có hàng trăm hàng nghìn dự án nhỏ. Chương trình nhỏ thấy hiệu quả có lẽ nó cũng tương đương hoặc thậm chí lại còn lớn hơn, rất kịp thời đến được đúng người, đúng lúc và nó mang lại hiệu quả và không kém gì.

Dịch bệnh chưa thể biến mất hoàn toàn. Những ngày giãn cách vẫn có thể trở lại. Nhưng hơn thế, internet và các thiết bị học tập trực tuyến là những hành trang không thể thiếu của học sinh thời đại công nghệ số, với những kỹ năng bắt buộc để các em tự mình nắm giữ chìa khóa mở cánh cửa tri thức và kiến tạo tương lai từ đó.

Những dự án như Laptop cho em, phải chăng chỉ nên là điểm khởi đầu của một chặng đường không có điểm cuối? Một hành trình lâu dài, nhằm nối những nhịp cầu vươn tới tương lai cho những thế hệ trẻ.

---

Đừng quên, nếu từng có trải nghiệm, hoặc chứng kiến những câu chuyện về tình người, tình yêu cuộc sống trên con đường bạn rong ruổi hàng ngày, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com. Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông.

Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android).