Hạn chế '3 không' trong vận tải đường thủy nội địa (Bài 1): Mới chỉ có 54% phương tiện được đăng ký

VOVGT - Theo thống kê, còn khoảng 47% tổng số phương tiện thủy chưa được đăng ký và chủ yếu rơi vào các phương tiện có tải trọng thấp, dưới 50 tấn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT đường thủy trong tháng 10 và lũy kế 10 tháng đầu năm đều giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt có tiêu chí giảm đến 67%.

Tuy vậy, nhiều ý kiến đánh giá, việc giảm TNGT đường thủy chưa mang tính bền vững bởi yếu tố 3 không: không đăng ký, không đăng kiểm, người lái không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.

Vì sao tình trạng này tồn tại nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đều nắm bắt được nhưng không thể xử lý?

Mở đầu loạt chương trình “Giải pháp nào hạn chế tình trạng "3 không" trong vận tải đường thủy nội địa?" là ghi nhận của phóng viên VOVGT về thực trạng công tác đăng ký phương tiện đường thủy nội địa.

Theo thống kê, hiện mới chỉ có 54% phương tiện thủy được đăng ký

Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, tổng số phương tiện thủy nội địa đã đăng ký là 252.000 chiếc, đạt khoảng 53,6% so với Tổng điều tra năm 2007. Còn khoảng 47% tổng số phương tiện thủy chưa được đăng ký và chủ yếu rơi vào các phương tiện có tải trọng thấp, dưới 50 tấn.

Lý giải về điều này, ông Đỗ Minh Tiến, Phó trưởng Phòng phương tiện và thuyền viên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, ngoài nguyên nhân do chủ phương tiện thiếu hiểu biết pháp luật thì một phần do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Bởi việc đăng ký phương tiện thủy nội địa được ủy quyền cho các địa phương thực hiện. Tuy vậy, đến thời điểm này vẫn có những địa phương có tới gần 80% phương tiện ngoài tầm quản lý, nhất là những vùng sâu, vùng xa, ền núi.

Từ thực tế này, ông Tiến cho rằng, để tăng cường công tác quản lý phương tiện, nhất là phương tiện đường thủy tải trọng nhỏ, dưới 50 tấn, trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

 

"Hiện nay, ngoài việc quản lý hành chính thì chúng ta bây giờ đặt ra giải pháp quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa. Đây là một trong những nội dung rất cần thiết trên cơ sở những quy định của Bộ GTVT đã cho phép bắt buộc các phương tiện phải lắp thiết bị AIS hoặc VHF thì phải đặt ra đây là một trong những giải pháp trong thời gian tới ngoài việc đăng ký hành chính của phương tiện thì chúng ta phải quản lý hoạt động của phương tiện".

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam cho rằng, số lượng phương tiện chưa đăng ký hiện có thể còn cao hơn thực tế, bởi thống kê hiện tại chủ yếu dựa vào số liệu tổng điều tra năm 2007. Qua thực tế hơn 10 năm, chắc chắn số lượng phương tiện đã tăng lên đáng kể.

Do vậy, ông Trường cho rằng, một trong những giải pháp cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới là phải thực hiện Tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện và đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa làm cơ sở cho việc việc hoạch định các chính sách đảm bảo an toàn giao thông đường thủy một cách xác thực.

 

"Bây giờ năm 2018 mà chúng ta vẫn lấy số liệu năm 2007 thì rõ ràng là vấn đề không thể chấp nhận được. Số liệu quá cũ làm sao đánh giá được thực tiễn công tác đường thủy nội địa hiện nay. Do vậy, chúng ta phải thống kê tương đối chính xác về phương tiện thủy nội địa hiện nay đối với các sức chở, ít nhất là từ 200 tấn trở lên như thế nào. Còn từ 200 tấn đến 15 tấn thì vô kể và phát triển hàng ngày".

Phân tích thêm về việc vênh số liệu khiến công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn, ông Trần Văn Thọ, nguyên phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, riêng việc phát triển đội tàu hiện nay đã vượt quy hoạch đến năm 2020. Cụ thể, đến thời điểm này, tổng tải trọng phương tiện thủy trên toàn quốc đạt trên 13 triệu tấn, trong khi quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường thủy nội địa đến năm 2020 thì tổng tải trọng phương tiện là 12 triệu tấn.

Theo ông Thọ, việc phát triển quá nhanh về tổng tải trọng phương tiện đường thủy đã tạo áp lực đáng kể lên hệ thống kết cấu hạ tầng, luồng đường thủy cũng như bộ phận người lái phương tiện.

 

"Đương nhiên việc phát triển nhanh đội tàu cũng như tổng tấn phương tiện thì đòi hỏi về luồng tuyến, cảng bến và người điều khiển phương tiện phải đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển đội tàu cũng như công tác quản lý phương tiện này cũng như công tác quản lý cảng vụ cho an toàn khi vào và rời cảng khi bốc xếp hàng hóa".

Từ những phân tích nêu trên, các ý kiến đều cho rằng, cần sớm triển khai việc Tổng điều tra phương tiện thủy, thuyền viên, người lái để có cơ sở đề ra các chính sách đảm bảo an toàn giao thông đường thủy một cách xác thực.

Cũng từ cơ sở dữ liệu này, việc quản lý số phương tiện đăng kiểm và đăng kiểm lại mới sát thực tế. Những nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.