Hài hòa lợi ích, tránh đẩy nhà thầu vào thế phá sản

Mặc dù cơ chế điều chỉnh giá đã có, tuy nhiên cơ chế này chưa thực sự phù hợp, Chính phủ cần sớm gỡ vướng để nhà thầu yên tâm thi công.

 

Hàng loạt máy móc ngừng thi công do các đơn vị vận chuyển vật liệu dừng cung cấp, đòi tăng giá.
Bài liên quan

Trong xây dựng hiện có 2 loại hợp đồng, một là hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định; hai là hợp đồng có điều chỉnh giá.

Với hợp đồng trọn gói, đồng đơn giá cố định, theo quy định pháp luật hiện hành các hợp đồng này không được điều chỉnh giá, nhà thầu phải chập nhận “lời ăn lỗ chịu”.

Bởi trong quá trình xác lập hợp đồng các bên đã phải lường trước được các yếu tố rủi ro, nếu điều chỉnh sẽ không tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Tuy nhiên, rủi ro về giá tăng đột biến thời gian vừa qua nhà thầu không lường trước được. Việc tăng giá đột biến do dịch bệnh, chiến tranh cần được xác định là yếu tố “bất khả kháng” trong hợp đồng xây dựng để chia sẻ khó khăn với nhà thầu.

Thế nhưng, hiện nay không có tiêu chí định lượng khi giá vật liệu xây dựng tăng bao nhiêu phần trăm thì được xem là bất khả kháng nên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.

Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Xây dựng cũng đang vận dụng linh hoạt quy định tại điều 420, Bộ Luật Dân sự, đó là cho phép hợp đồng được điều chỉnh trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản và đưa nội dung này vào Dự thảo Nghị định 37 sửa đổi.

Đối với hợp đồng điều chỉnh giá, về nguyên tắc nhà thầu được phép đề nghị chủ đầu tư bù giá, trên cơ sở chỉ số giá mà địa phương công bố. Tuy nhiên, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương hiện nay đều chậm và chênh lệch khá lớn so với diễn biến của thị trường, nhà thầu mong mỏi được bù giá trực tiếp.

Vì thế, Bộ Xây dựng cần sớm hướng dẫn các Sở Xây dựng bám sát tình hình để công bố giá vật liệu kịp thời và sát thực tế. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, biến động mạnh và chiếm tỉ trọng lớn cần công bố giá hàng tháng, thậm chí là hàng tuần; nâng cao chất lượng dự báo về cung cầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, sớm giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm thời gian tới.

Việc điều chỉnh hợp đồng là cần thiết, nhưng trước mắt, Bộ GTVT cần xem xét cụ thể từng hợp đồng, từ đó đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh; không thể đưa ra một quy định chung áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng.

Bởi như vậy sẽ làm thay đổi cả hệ thống pháp luật, phá vỡ nguyên tắc đấu thầu, vì thế việc điều chỉnh hợp đồng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tạo thành tiền lệ xấu, tiềm ẩn những rủi ro trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước.

Chất lượng và trách nhiệm của tư vấn cũng là vấn đề cần được quan tâm, lâu nay mắt xích này dường như bị lãng quên và thậm chí là vô can trong nhiều vụ án đầu tư xây dựng hạ tầng.

Trong khi đó khâu tư vấn có vai trò rất quan trọng trong việc dự báo, thậm chí ngay ở khâu lập dự toán, nhà thầu đã phải kí các hợp đồng nguyên tắc với các nhà cung cấp trung hạn và dài hạn.

Để giảm thiểu rủi ro về biến động tăng giá, nhà thầu có thể chủ động sử dụng công cụ bảo hiểm giá qua hợp đồng phái sinh, bởi nhà nước không thể mãi đuổi theo DN và điều chỉnh như hiện nay.