Hà Nội: Thiết kế nhánh chuyển tiếp từ Vành đai 2 trên cao xuống đường Nguyễn Trãi để giảm ùn tắc

Chuyên gia giao thông cho rằng việc nghiên cứu một nhánh kết nối từ Vành đai 2 trên cao để vào đường Nguyễn Trãi đi về hướng Hà Đông là cần thiết; bởi lượng phương tiện rẽ trái rất lớn, trong khi hiện toàn bộ các phương tiện rẽ trái đều di chuyển qua nút giao trên mặt đất.

Ùn tắc trên đường Trường Chinh, đoạn lối xuống đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. Ảnh: Vnexpress

Nhiều người thường xuyên tham gia giao thông qua nút giao Ngã Tư Sở phản ánh, vào bất cứ thời điểm trong ngày, những ngả đường hướng về khu vực này luôn trong tình trạng ngộp thở vì mật độ phương tiện quá cao; đặc biệt ùn ứ kéo dài từ hướng đường Vành đai 2 trên cao đổ xuống:

"Có những lúc ùn ứ hết từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở đường trên cao, đến nút đèn đỏ, gần như tất cả các phương tiện bị chặn lại nên ngày nào, giờ nào cũng tắc, có những lúc 40 phút không qua nổi nút Ngã Tư Sở".

"Sau khi cầu Vĩnh Tuy thông xe, lượng xe đổ về Ngã Tư Sở và đường Nguyễn Trãi rất cao gây ra ùn tắc giao thông. Mình nghĩ nên thiết lập hệ thống giao thông cho các phương tiện rẽ từ đường Vành đai 2 xuống Nguyễn Trãi được lưu thoát tốt hơn".

Do chưa đồng bộ toàn tuyến vành đai 2 nên khi các phương tiện từ cầu Vĩnh Tuy đổ về nút qua Ngã Tư Sở vẫn phải đi xuống đường dưới thấp để tiếp tục lưu thông khiến nút giao này luôn phải chịu áp lực rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm có các giải pháp để giải tỏa giao thông, tạo điều kiện cho các dòng phương tiện lưu thoát tốt hơn.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phân tích, 50% lưu lượng phương tiện từ đường trên cao đổ xuống rẽ trái về Hà Đông, do vậy giải pháp làm nhánh kết nối để dẫn thẳng đoàn xe xuống đường Nguyễn Trãi là tối ưu.

"Ngã Tư Sở, chúng tôi đã tính đến phương án xử lý trước các nhánh chuyển tiếp từ đường trên cao rẽ trái về phía Hà Đông, loại bỏ các giao cắt là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên hiện nay còn nghiên cứu các giải pháp làm sao để hài hòa được việc giai đoạn trước mắt và cũng như kế thừa được giai đoạn tiếp theo khi Vành đai 2 trên cao được xây dựng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy một cách hiệu quả nhất", ông Thành cho biết.

Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc nghiên cứu một nhánh kết nối từ Vành đai 2 trên cao để vào đường Nguyễn Trãi đi về hướng Hà Đông là cần thiết bởi lượng phương tiện rẽ trái rất lớn, trong khi hiện toàn bộ các phương tiện rẽ trái đều di chuyển qua nút giao trên mặt đất. Việc bổ sung năng lực của nút giao thông này bằng một nhánh cầu vượt khác mức để kết nối xuống đường Nguyễn Trãi sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giải tỏa dòng xe.

Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn nhận định, xét về mặt không gian, khu vực này không gian đủ rộng để bố trí xây dựng nhánh cầu vượt. Tuy nhiên khi kết nối như vậy sẽ xung đột với cầu vượt Ngã tư Sở theo hướng Tây Sơn, Nguyễn Trãi và làm hẹp không gian của các hướng lưu thông khác. Do vậy, phương án này cần được nghiên cứu kỹ:

"Ở đây bài toán về mặt kỹ thuật làm sao để tránh được các điểm xung đột về mặt không gian. Vị trí của điểm bắt đầu và điểm kết thúc của cầu vượt cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta cũng cần quan tâm đến tổng thể nút giao để giải quyết triệt để các dòng lưu lượng qua nút, cung cấp năng lực mới phù hợp".

Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn cũng cho rằng, cần xem xét giải pháp này trong bài toán chung tổng thể về điều tiết giao thông của Thành phố, xem xét đến tương lai khi đường Vành đai 2 trên cao hoàn thiện toàn tuyến, để giải pháp này khi triển khai đem lại hiệu quả cả trong ngắn và dài hạn.