Hà Nội ngập, lỗi tại chúng ta...

Mải trách móc năng lực thoát nước kém cỏi của Thủ đô, người ta trót quên đi, hay cố tình quên đi rằng, chính họ, rất nhiều người trong số họ, cũng góp phần không nhỏ trong việc khiến hệ thống thoát nước của Thủ đô không thể hoạt động hiệu quả....

Những ngày này, người Hà Nội đua nhau than thở về những trận mưa kỷ lục khiến nhiều tuyến phố thành sông. Đỉnh điểm là cơn mưa kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ ngày 29/5; khắp nơi là hình ảnh nước ngập tới yên xe máy, ngang thân ô tô. Rồi ô tô, xe máy chết hàng loạt, trôi dập dềnh như thuyền.

Ai cũng trách móc quy hoạch đô thị của Thủ đô tệ hại; năng lực thoát nước kém cỏi.

Mà rõ là kém cỏi thật, vì không chỉ người dân chê bai mà nhiều lãnh đạo bộ ngành liên quan cũng phải lên tiếng về tình trạng ngập úng diện rộng mỗi khi có mưa ở Thủ đô.

Cứ mưa là đường phố Thủ đô lại lâm vào cảnh ngập úng (ảnh chụp cơn mưa ngày 29/5)

Hết trách móc thì lại có người hiến kế. Người ta còn nhớ mãi chuyện “chiếc lu đựng nước chống ngập” của một vị đại biểu HĐND nọ khiến cả xã hội buồn cười.

Rồi ngày hôm qua thì ngài Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến nên dùng sân vận động, trường học, cánh đồng làm nơi chứa nước… khiến nhiều người ngỏ ý băn khoăn, liệu giải pháp này có thực tế?

Trách móc, chê bai thì luôn dễ dàng hơn một lời khen đến từ sự nhìn nhận sự việc chính xác.

Thế là mải trách móc năng lực thoát nước kém cỏi của Thủ đô, người ta trót quên đi, hay cố tình quên đi rằng, chính họ, rất nhiều người trong số họ, cũng góp phần không nhỏ trong việc khiến hệ thống thoát nước của Thủ đô không thể hoạt động hiệu quả.

Nói đến đây, có lẽ nhiều người sẽ quay ra chỉ trích người viết bài, là bênh vực cho đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước, hay bênh vực để làm giảm nhẹ “tội” của những người thiết kế hạ tầng thoát nước của Thủ đô.

Đồng ý, là năng lực quy hoạch hạ tầng của chúng ta đang có vấn đề. Nhưng hãy nhìn lại hành động hằng ngày của mỗi cá nhân. Chính việc xả rác bừa bãi, vô tội vạ hằng ngày của mọi người, đã góp phần không nhỏ khiến các hệ thống thoát nước của chúng ta không thể hoạt động hiệu quả.

Hãy đi chậm lại và nhìn vào vỉa hè, nhìn lên các ệng cống ở khắp các con đường lớn nhỏ của Thủ đô. Chúng ta sẽ thấy, không một nơi nào là không có rác thải, túi nilon, chất thải rắn.

Nhiều người có thói quen vứt bỏ rác thải xuống cống thoát nước, xuống lòng đường, nơi công cộng

Chúng ta chỉ quan tâm giữ sạch ngôi nhà của mình còn mỗi khi ra đường là tiện tay vứt rác xuống đường, vứt xuống ệng cống, vứt bừa bãi rác thải sau khi ăn uống xong ở công viên, phố đi bộ, nơi công cộng…

Bởi ai cũng nghĩ rằng, nơi công cộng thì muốn làm gì thì làm, vứt ra sẽ có người phải nhặt.

Thật ngạc nhiên là đến bây giờ vẫn phải chứng kiến cảnh bố mẹ dắt con nhỏ đi chơi công viên thản nhiên vứt thẳng rác ra đường, trước mặt con trẻ. Và sau đó thì lũ trẻ cứ thế mà học theo người lớn. Xả rác ra đường mà không hề cảm thấy sai trái, áy náy.

Rồi người ta lấy xi măng, gạch vữa đắp kín ệng cống để làm đường dẫn cho xe cá nhân dễ dàng leo lên vỉa hè để vào nhà. Tình trạng này là phổ biến, khiến cống, rãnh thoát nước bị chặn lại và không thể hoạt động được.

Những hộ gia đình nhà mặt đườngy thường lấy xi măng, vôi vữa đắp đường dẫn từ lòng đường lên vỉa hè làm lối đi cho phương tiện của gia đình đi lại, và đồng thời cũng lấp luôn ệng cống, rãnh thoát nước, khiến những cống thoát nước này không thể hoạt động đúng chức năng mà nó phải làm

Ấy vậy mà mỗi khi mưa lớn ngập đường, người ta cứ giận dữ, trách móc với công ty môi trường đô thị, trách móc lãnh đạo chính quyền không đủ năng lực, trách móc kiến trúc sư thiết kế hạ tầng kém cỏi…

Mà quên rằng, cũng nên trách chính bản thân mình, khi không có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của mình, của cộng đồng nơi mình sinh sống…