Hà Nội loay hoay

Việc Hà Nội tính đến việc cho thuê vỉa hè, hoặc mở rộng diện tích trông xe dưới lòng đường cho thấy sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong việc thực hiện các chính sách quản trị đô thị, mục tiêu và cách làm đang xung đột với nhau.

Nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội đã nghiên cứu nhiều giải pháp, tốn kém nhiều chi phí để tính đến hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực đô thị lõi, qua đó giảm ùn tắc.

Tuy vậy, việc Hà Nội tính đến việc cho thuê vỉa hè, hoặc mở rộng diện tích trông xe dưới lòng đường cho thấy sự mâu thuẫn, thiếu nhất quán trong việc thực hiện các chính sách quản trị đô thị, mục tiêu và cách làm đang xung đột với nhau.

Ảnh nh họa

Việc thành phố Hà Nội vừa phê duyệt thêm danh mục gần 200 tuyến phố được sử dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông, một lần nữa cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan trong sự mong muốn của Thủ đô.

Một mặt, chúng ta vừa thấy đề xuất lập những vùng phát thải thấp, đồng nghĩa với hạn chế phương tiện, một mặt ta lại thấy nỗ lực gia tăng điểm trông giữ xe bất chấp ùn tắc để đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân.

Giữa việc cải thiện môi trường bằng cách giảm phát thải từ phương tiện giao thông với việc tăng khả năng giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh, Hà Nội đã chọn cả hai, dù mâu thuẫn với nhau.

Với sự lựa chọn này, Hà Nội sẽ tiếp tục đau đầu với việc vừa giải bài toán ô nhiễm không khí, vừa giải bài toán ùn tắc giao thông khi mà các nỗ lực khác nhau tiếp tục xung đột với nhau để tạo nên những hậu quả mới. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Phải chăng thành phố đã hoàn toàn bế tắc, không có một lựa chọn nào khác nên phải cùng lúc chọn giải pháp tình thế mà hậu quả thấy trước sẽ mâu thuẫn với nhau?

Tôi không cho rằng vấn đề lại bế tắc đến thế. Bởi luôn có giải pháp, nếu như chúng ta thấy mọi chuyện đã trở thành cấp bách. Vấn đề là những cơ quan tham mưu chính sách của thành phố có chịu nhìn thẳng vào bản chất vấn đề để đưa ra những giải pháp tận gốc hay không?

Mục tiêu giảm phát thải và chống ùn tắc thực ra đều có chung một giải pháp, đó là hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là những phương tiện phát thải cao. Vì thế, tôi không thể hiểu vì sao thành phố vừa hạn chế phương tiện vào trung tâm lại vừa tìm cách bổ sung thêm điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm.

Trong khi, điều cần làm là phải đầu tư năng lực giao thông tĩnh ở các vùng phụ cận, hấp thụ số lượng lớn phương tiện dừng lại bên ngoài thành phố, đồng thời cung cấp lựa chọn giao thông công cộng từ ngoại vi vào trung tâm.

Thay vì bổ sung chức năng trông giữ xe cho hàng trăm tuyến phố, lẽ ra thành phố cần đầu tư quy hoạch thêm các đầu mối giao thông tĩnh kết hợp giao thông công cộng ở ngoại vi. Những khu vực rộng lớn ở ngoại vi thành phố, vừa là bãi trông giữ xe số lượng lớn, vừa là điểm chuyển tiếp giữa phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng, vừa là trung tâm mua sắm, giải trí là mảng hạ tầng mà những đại đô thị như Hà Nội còn thiếu.

Có thể Hà Nội chưa thể ngay lập tức triển khai hạ tầng giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn như đường sắt đô thị, nhưng khi hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm, việc bổ sung đồng loạt các tuyến xe buýt không phải vấn đề quá khó khăn.

Thử hình dung, tất cả người điều khiển phương tiện cá nhân đều gửi xe lại bên ngoài thành phố và chuyển sang phương tiện công cộng khi đi vào trung tâm, tất cả người dân sống trong khu vực trung tâm đều gửi xe bên ngoài đường vành đai để về nhà, chỉ sử dụng xe đạp, xe máy điện, và phương tiện công cộng khi di chuyển nội đô. Hình dung đó không phải là viễn cảnh, mà là thực tại gần, rất gần và có tác động tích cực ngay lập tức.

Có thể việc bố trí quỹ đất ngoại vi để xây dựng các đầu mối giao thông tĩnh kết hợp giao thông công cộng cũng sẽ cần thời gian, và tiền của. Tuy nhiên, so với việc thực hiện những giải pháp tình thế và chắp vá như sử dụng lòng đường để làm chỗ trông giữ xe khiến giao thông càng thêm ùn tắc, dẫn tới không thể kiểm soát phát thải thì tôi nghĩ rằng thành phố sẽ có đủ động lực để hành động quyết liệt hơn.