Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện hôm nay

Tách làn trên các con đường

Phạm Quang Vinh: Thứ sáu 13/12/2024, 08:39 (GMT+7)

Việc tổ chức vận hành hệ thống giao thông là một ngành khoa học quan trọng và thú vị trong xã hội hiện đại. Bởi nếu tổ chức vận hành không tốt, thì việc đầu tư hạ tầng giao thông chỉ tạo ra những cảnh giới ùn tắc mới mà thôi.

Việc vận hành các con đường trên thế giới thường được thực hiện tương đối giống nhau, nhưng ở Việt Nam đôi khi lại là một khái niệm khá xa lạ. Hôm nay, tôi muốn nói đến một nguyên tắc phổ biến ở khắp nơi, nhưng ở Việt Nam lại được thực hiện rất ít, đó là nguyên tắc tách các làn giao thông khi vận hành một con đường.

Dễ thấy nhất là trên các đường phố, trước các ngã ba - ngã tư, trước các làn rẽ ở các con đường mà có nhiều hơn một làn xe, hoặc có dải phân cách giữa, ở rất nhiều quốc gia, trước các làn rẽ, không chỉ có các đèn tín hiệu, mà họ sẽ còn bố trí một làn để rẽ, đặc biệt là làn rẽ trái (còn rẽ phải thì thông thường có nhiều nước thì họ cho được rẽ phải một cách tự động) nhưng với làn rẽ trái, thường sẽ được bố trí thêm một làn bên trái, chỉ dành cho việc rẽ (must turn).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở trên cao tốc cũng như vậy, trước các lối ra cho (Exit), cách đó ít nhất khoảng 500m, làn bên phải (làn khẩn cấp, vai đường) sẽ được bố trí thành một làn rẽ và đây cũng là làn must-turn, tức là khi xe đi vào đó thì phải rẽ, giúp tách dòng xe phải rẽ khỏi những xe đi thẳng.

Khi đó, tất cả xe đi thẳng sẽ không còn bị vướng, không bị ùn tắc, không phải đi chậm để chờ và cũng sẽ không gặp phải những nguy hiểm.

Đó là một nguyên tắc tương đối đơn giản, bởi khi tách các làn xe đi về các hướng khác nhau, sẽ giúp mọi người đi tất cả các làn khác nhau có thời gian để không tạo nên ùn tắc, không bị xung đột giữa các luồng xe khác nhau.

Tôi cũng khá ngạc nhiên khi tại sao ở ta lại không làm như vậy? Nếu bạn đi trên cao tốc và gần đến lối rẽ, bao giờ bạn cũng sẽ “được trải nghiệm” việc cung đột giữa các làn giao thông, mọi người luôn bị ùn tắc, bị chậm lại. Chẳng hạn đi trên cao tốc Bắc-Nam gần đến nút giao để rẽ đi Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, thì ở chỗ đó luôn bị ùn lại.

Trên các con đường nội đô của chúng ta ở Hà Nội, TPHCM hay rất nhiều tỉnh, thành phố khác cũng vậy, chuyện bị chậm lại, bị ùn lại ở ngã ba - ngã tư do đèn đỏ là hết sức bình thường vì tại đó giao thông tương đối hỗn loạn, xe ở làn bên ngoài là bên phải có thể sẽ xung đột với các xe muốn rẽ trái.

Ngoài việc tạo ra xung đột giao thông, nó cũng tạo ra một thói quen không thật sự tốt cho người điều khiển phương tiện. Vì mọi người sẽ không còn có thói quen cách ngã ba - ngã tư cách chỗ rẽ khoảng vài trăm mét thì chúng ta phải bắt đầu đi về làn phải rẽ, làn dành riêng cho người rẽ, để không tạo ra xung đột và ùn tắc giao thông.

Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ nên và cần thiết phải có một biện pháp nào đó để triển khai một cách đồng loạt những nguyên tắc tổ chức giao thông. Một con đường, tốt một hạ tầng tốt cần song hành với một cách tổ chức giao thông khoa học. Việc tách các luồng phương tiện trên đường là cách tổ chức khoa học mà chúng ta phải thực hiện.

Tôi nghĩ, không nên tiếp tục lờ đi việc thực hiện nguyên tắc khoa học đó khi vận hành các con đường, đặc biệt là các con đường cao tốc hiện nay./.

Phạm Quang Vinh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn