Hà Nội lãng du mùa hoa sữa

VOVGT- Chẳng biết tự bao giờ, cứ như một sự mặc định, mùi hương hoa sữa trở thành “hương của Hà Nội” trong tâm trí của cả dân bản địa và khách du lịch ghé qua.

Hà Nội lãng du mùa hoa sữa (bài viết đăng trên báo Vnexpress)

 

Hà Nội nồng nàn hương hoa sữa vào thu

Khi những cơn gió cuối thu về xao xác, mang cái lạnh của buổi chớm đông len lỏi vào da thịt mỗi người, đó cũng là lúc hoa sữa Hà Nội bắt đầu tỏa hương, hứa hẹn cho một mùa yêu thương, hạnh phúc chớm nở, bắt đầu.

Với mỗi người, khi mùa hoa sữa về lại mang theo những cảm xúc riêng. Những kẻ yêu nhau thường ít nhiều rắc ríu, vương vít vào mối tình của mình chút hương hoa sữa.

Họ dắt nhau đi trên những con phố có hoa, họ hít hà mùi hương và rồi nói với nhau những lời tình tứ. Cứ lãng du vô định, hương hoa sữa hồn nhiên đi vào cuộc tình và là một nhân chứng đặc biệt với không ít những kẻ đang yêu, đã yêu và sẽ yêu.

Hoa sữa là vậy, chẳng sặc sỡ sắc màu, chẳng rực lửa như phượng, hay tím tái như bằng lăng, nhưng cái hơn của loài hoa này lại ở chỗ thường gắn với những người yêu nhau. Hoa phượng đỏ, bằng lăng tím cũng vậy, có điều, chúng vô hương. Mà tình yêu thì xưa nay đâu cần lòe loẹt, quan trọng là những cảm xúc mà kẻ yêu phải trải qua. Điều này thì hoa sữa ăn đứt nhiều loài hoa khác.

Hoa sữa tỏa hương 24/24, nhưng để cảm và mến nó, chắc không gì thích hợp hơn buổi tối, khi mà những ồn ã phố phường lùi xa, khi cái chói chang mặt trời cũng phải nhường cho sự dịu dàng của trăng. Và hoa sữa độc tôn.

Cây và hoa thì bất động, nhưng hương lại theo gió vương trên tóc người qua, làm thức tỉnh nhiều giác quan cùng lúc. Đó là cái tài tình của loài hoa sữa, và nó cũng buộc con người ta phải có cách thưởng hoa thật riêng: vừa đi vừa cảm nhận.

Ngày trước nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ, hoa sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm…”. Mỗi bận nghe lại Hoa sữa (trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”), tôi lại liên tưởng đến hoa như một người tình, lại nhớ đến những con ngõ nhỏ của Hà Nội với những chàng trai cô gái kín đáo đứng đợi nhau. Và như vậy, hoa sữa cũng như những ngọn đèn kia chính là bằng chứng tình yêu với bao người.

Bây giờ là đầu mùa hoa, trong từng cơn gió heo may, hương hoa sữa đã vấn vương mọi chốn. Chẳng biết tự bao giờ, cứ như một sự mặc định, mùi hương đó trở thành “hương của Hà Nội” trong tâm trí của cả dân bản địa và khách du lịch ghé qua.

Hoa sữa trở thành một phần của Hà Nội, nó gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người. Hầu như phố nào cũng có một vài cây hoa sữa. Lặng lẽ nép mình bên những gốc xà cừ đã già nua vì tuổi tác, hay khiêm nhường ở một góc phố nhỏ, lặng lẽ buông hương dưới ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn cao áp từng đêm…

Hoa sữa gắn với mảnh đất Thủ đô, với nét thanh lịch của người Tràng An. Có lẽ không ở đâu khác, người ta lại đối đãi với hoa sữa mặn nồng như thế. Sau này, có nhiều thành phố, cũng học tập Hà Nội mang hoa sữa về trồng, thậm chí là trồng nguyên cả một con phố toàn hoa sữa, nhưng xa Hà Nội, hương hoa sữa dường như cũng khác.

Lại thêm cách trồng theo kiểu vườn ươm (trồng dày đặc), hoa sữa lại đậm mùi, vì thế, từ cái cảm mến với hoa không ít người lại đâm sợ loài hoa này. Cái lỗi chẳng ở nơi loài hoa, mà ở cái cách người ta đối xử (trồng) với nó.

Tình yêu luôn đẹp, dù có kết cục ra sao, đặc biệt nếu có thêm chút ít hương hoa sữa. Những người yêu nhau nhiều khi thấy kỷ niệm đượm chất lãng mạn, phong lưu và nồng nàn hơn có lẽ cũng chính bởi loài hoa này. Và không ít người, cứ mỗi độ hoa sữa về, họ lại thong thả đếm bước mình trên hè phố, để mơ về những khoảnh khắc ngày xưa…

Những điểm đến lý thú trong tháng 8

 

Sa Pa - Thị trấn trong mây. Ảnh: Tiền phong

Sa Pa thị trấn trong mây, nằm phía Tây Bắc Tổ quốc ẩn chưa bao điều bí ẩn, với thiên cảnh hữu tình, cuộc sống đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Sa Pa hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch khám phá và trải nghiệm.

Một số điểm tham quan tại Sa Pa như: núi Hàm Rồng, thác Bạc, nhà thờ cổ Sa Pa – một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại, bản Cát Cát, bản Tả Phìn với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…

Hà Giang– một thiên đường mới mở ra với ruộng bậc thang đẹp đến ngỡ ngàng mùa lúa chín, những cánh đồng tam giác mạch trải dài ngút ngàn từ các thung lũng tới những bản làng.

Dọc đường đi, khắp các sườn núi, một màu hồng phơn phớt tím bồng bềnh như thảm hoa. Hà Giang với những con đường uốn quanh núi, những khúc cua khúc khuỷu và xoáy liên tiếp cùng với đó là vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của thiên nhiên, hay phong phú các điểm đến hấp dẫn như: Núi đôi Quản Bạ, Mã Pí Lèng, Phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú… đã làm say đắm người lữ khách.

Nhắc đến những điểm du lịch tháng 8, bạn không thể bỏ qua phố cổ Hội An xinh đẹp. Vào những ngày nắng, bạn sẽ cảm thấy phố cổ trở nên tươi tắn, rực rỡ và đầy sức sống. Nhưng vào những ngày mưa rơi, Hội An trầm hơn, tĩnh lặng hơn, không xô bồ, không quá đông đúc.

Khi ấy, cầm chiếc ô đứng giữa những ngôi nhà cổ với bức tường vàng, chiếc cửa xanh xanh, thêm giàn hoa giấy rực rỡ bên hiên, bạn có thể dễ dàng chụp được ngay bức ảnh đẹp.

Phố cổ Hội An. Ảnh: Vnexpress

Với không khí mát mẻ, dễ chịu nên khách du lịch có thể đến Đà Lạt vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm du lịch, Đà Lạt rất lãng mạn và khác biệt vào tháng 8.

Mặc dù tháng 8 là mùa mưa ở Đà Lạt, nhưng nhiều du khách lại thích du lịch Đà Lạt vào mùa này, bởi những cơn mưa này không quá nặng nề, bạn vẫn có thể đi dạo, ngắm thành phố trong màn mưa mờ ảo, lắng tai nghe tiếng mưa rơi rả rích và thưởng thức những món ngon của người Đà Lạt, đặc biệt là món ngói nướng, bánh mì xíu mại hay bắp nướng, khoai nướng thơm lừng...

Đến Đà Lạt cũng đừng quên ghé quán cà phê Tùng, giữa tiết trời se se và mưa rơi, trong giai điệu của nhạc xưa Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên...thưởng thức một cốc cà phê bạn sẽ cảm nhận được nét lãng mạn rất tình của thành phố sương mù.

Nghe toàn bộ nội dung chương trình Đường vui tại đây: