Hà Nội khẩn trương phòng chống sạt lở, bảo vệ hạ tầng giao thông mùa mưa bão

Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Sở GTVT đã ban hành kế hoạch Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ.

Cơn mưa lớn sáng 4/8 gây sạt lở đất, đá xuống tuyến đường ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến hàng loạt ô tô bị vùi lấp. Ảnh: Vietnamnet

Sinh sống trên địa bàn quận Cầu Giấy, anh Trần Ngọc Thanh luôn nơm nớp mỗi khi mưa lớn. Mới đây nhất, cơn mưa ngày 19/8 kéo dài chừng 2 tiếng đã khiến tuyến đường trước nhà anh Thanh ngập gần nửa xe máy, không ít gia đình chịu cảnh nước ngập cả đến sàn nhà: "Nhiều khi nó ngập, phải ở nhà, không thể đi làm được. Nhiêu fkhi nó còn ngập cả vào đến sàn nhà em nữa".

Còn ông Trần Văn Ngọc, ở Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại khốn khổ bởi mưa lũ theo một cách khác. Sống gần cống thoát nước của cả một khu vực, trên dòng chảy ra sông Hồng, gia đình ông Ngọc luôn phải có người túc trực ở nhà để che chắn mỗi khi có thông tin mưa lớn: "Kinh khủng lắm, bùn đất các thứ ử dưới cống, rãnh nó lên. Đôi khi là xe ô tô đi qua nó đánh sóng vào, nó ảnh hưởng, đình trệ hết các công việc".

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, để hạn chế tình trạng ngập úng, sạt lở hoặc ảnh hưởng đến chất lượng công trình hạ tầng giao thông đường bộ, việc tiêu thoát nước, giảm úng ngập khi mưa bão đã được đơn vị lên kế hoạch và phân công các đơn vị thực hiện.

Cụ thể, nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó, khi có mưa lũ xảy ra, Trạm bơm Yên Sở với tổng công suất 90m3/giây luôn trong trạng thái sẵn sàng. Ngoài ra, việc khơi thông dòng chảy, ứng trực 100% nhân lực thiết bị tại các điểm “nóng” cũng là yêu cầu bắt buộc trong mùa mưa sắp tới:

"Một là tập trung kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống thoát nước, để phát hiện, xử lý các bất cập của hệ thống, kiểm tra hạ mực nước đệm trên các tuyến kênh mương, sông hồ điều hòa thoát nước để đưa về mực nước thấp nhất; kiểm tra, chuẩn bị các vật tư, thiết bị sự sẵn sàng hoạt động của các trạm bơm thoát nước. Chúng tôi cũng liên hệ, phối hợp với các đơn vị thủy lợi trong việc tiêu thoát nước nông nghiệp ngoại thành để hỗ trợ cho công tác tiêu thoát nước đô thị", ông Uyên cho biết.

Về phía ngành GTVT, ông Trần Quốc Bảo, Phó trưởng Ban thường trực Ban Phòng chống lụt bão, Sở GTVT cho biết, ngay từ đầu năm, Sở GTVT đã ban hành kế hoạch Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến chất lượng hạ tầng giao thông đường bộ.

Cụ thể, giao cho Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông là cơ quan thường trực của Sở thường xuyên theo dõi diễn biến của tình hình mưa bão để tham mưu cho lãnh đạo Sở trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện:

"Giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ, thực hiện ứng trực, sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa bão, dự trù các vật tư, vật liệu dự phòng để kịp thời đảm bảo các vị trí hư hỏng, các vị trí úng ngập để có biện pháp xử lý và khắc phục ngay", ông Bảo cho biết.

Sở GTVT Hà Nội cũng đã giao cho Thanh tra phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như CSGT đường sắt, đường thủy, công an các quận, huyện, thị xã để rà soát các phương án ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực cho công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông cũng như trung chuyển người dân qua các điểm úng ngập và phối hợp với các lực lượng, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo ATGT.

Ngoài ra Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án của Thành phố chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các dự án trên địa bàn Thành phố để triển khai công tác phòng chống thiên tai tại các công trường và có phương án phòng chống úng ngập cục bộ, phân luồng giao thông khi có mưa bão xảy ra./.