Hà Nội đang quên bắt chó thả rông?

Nếu sống ở Hà Nội, chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến tên “Đội bắt chó thả rông”. Thế nhưng, sau những đợt ra quân này thì mọi việc có vẻ như lại đâu vào đấy, chó thả rông vẫn ngang nhiên chỗ đông người. Vậy Hà Nội có đang lãng quên công việc này?

Tình trạng chó thả rông ra đường phố, công viên hay kể cả tuyến phố đi bộ hàng ngày vẫn đang diễn ra…

Với chiếc vợt có gắn cán dài trên tay, khi gặp bất cứ chó, mèo nào được thả ra ngoài đường mà không đeo rọ mõm, những thành viên của đội bắt chó thả rông sẽ nhanh chóng bắt chúng lại, nhốt vào chuồng, đưa về trụ sở phường để mời chủ vật nuôi đến xử lý.

Thế nhưng đó là hoạt động của những năm trước đây, đến nay “Đội bắt chó thả rông” này gần như không còn thấy hoạt động trên các tuyến phố, đặt biệt là tuyến phố trung tâm của thủ đô.

Chó thả rông, không rọ mõm tại nhiều công viên ở Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

Trên thực tế, trong 1 năm trở lại đây, tình trạng chó thả rông lại tiếp tục diễn ra. Không khó để bắt gặp hình ảnh các loại chó nuôi không rọ mõm, được thả rông tại các công viên lớn nhỏ ở trung tâm Hà Nội khi mùa bùng phát bệnh dại đang đến gần. Phố đi bộ hồ Hồ Hoàn Kiếm ngày cuối tuần đông đúc người qua lại, cùng với đó là những chú chó cưng được chủ cho đi dạo quanh hồ.

Thế nhưng, điều đáng nói là những chú chó này lại chẳng được chủ đeo rọ mõm hay dắt bằng xích mà được thả để thỏa sức chạy nhảy khiến nhiều người không khỏi lo sợ.

“Khi chó ra đường phải rọ mõm, xích lại và quản lý được nó nêu không rất nguy hiểm. Những con chó lớn, chó nước ngoài không giống chó Việt Nam, không tiêm phòng cẩn thận sẽ rất nguy hiểm”.

“Mùa nóng thế này, chó mèo hay bị dại rất nguy hiểm. Xe cộ đi mà va vào nó sẽ tai nạn. Cái đó phải cấm triệt để”.

Thực tế cho thấy, để nuôi chó, mèo ở khu vực đô thị là không dễ dàng. Nếu muốn nuôi, thì chủ vật nuôi cần phải tính toán kỹ lưỡng không chỉ đảm bảo vệ sinh mà còn phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Theo bạn Như Phương, một người nuôi chó tại quận Thanh Xuân cho rằng: “Ở các khu dân cư và chung cư trong Hà Nội mọi người nuôi chó rất nhiều nhưng lại thường thấy thả rông và không đeo rọ mõm. Ngày xưa ở Hà Nội thì có đội bắt chó thả rông đã đỡ hơn, nhưng vài năm gần đây lại thấy chó thả rông ra nhiều. Việc thả rông đấy không chỉ gây mất cảnh quan, vệ sinh môi trường mà nó còn rất nghiêm trọng nếu chó cắn trẻ em hoặc người già. Như gia đình tôi cũng nuôi chó những có biện pháp như là tiêm phòng dại đầy đủ, nếu dắt chó ra ngoài thì có đeo rọ mõm mà có xích để không ảnh hưởng đến người xung quanh”.

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các trường hợp chó thả rông, không rọ mõm cắn người gây thương tích trên đường phố.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhiều ca bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi gây thương tích nặng. Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ 10-15 ngày.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại (thường là chó, mèo) khi tiếp xúc với phần da bị tổn thương của người. Bệnh rất nguy hiểm, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%).

Mới đây, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. HCM vừa xin ý kiến xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố. Cụ thể, chủ vật nuôi chó, mèo phải kê khai trong vòng 3 ngày sau nhập về nuôi, đồng thời kê khai định kỳ 2 lần/năm, không để chó tấn công người, không được để chó gây ồn ào. Dự thảo cũng khuyến khích các hộ nuôi gắn crochip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan đến vật nuôi ở mức độ cá thể như phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia nuôi dạy và huấn luyện chó cho rằng: “Các quy định hiện hành của Nhà nước hiện nay tương đối đầy đủ rồi. Chẳng hạn nhà có chó dữ phải thông báo, có biển hiệu, khi ra đường phải rọ mõm, có dây cương… Vấn đề là người thực hiện gồm cả cơ quan nhà nước và người dân có nghiêm túc hay không.

Hiện, người dân Việt Nam nuôi rất nhiều giống chó khác nhau, cả chó bản địa, chó cảnh, với mục đích nuôi để cho vui, kinh doanh hay bảo vệ. Còn về chó dữ, tôi nghĩ, trong chuyên môn của chúng tôi, chó dữ là con chó hay cắn người. Không chỉ chó lớn đâu, nhiều chó bé rất dữ, chó ta là cắn nhiều nhất. Để chó khỏi gây nguy hiểm cho người thì chính quyền phải thực hiện thật nghiêm, xử lý công khai, thông báo nguy thì mới được, chứ còn nếu đưa ra biện pashp mà thực hiện không nghiêm thì chỉ bằng 0 thôi”.

Để tăng cường biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn, TP. Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thành lập, duy trì và tăng cường hoạt động có hiệu quả đội bắt chó thả rông. Trong đó, các địa phương cần chỉ đạo thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho các đội này, đặc biệt tại các khu vực đô thị.

Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vaccine dại được quy định, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo nuôi./.