Hà Nội: Chật vật lưu thông qua rào chặn xe 3 bánh tại cầu Long Biên

Bên cạnh những người ủng hộ lắp rào chắn ngăn xe 3 bánh ở đường dẫn 2 đầu cầu Long Biên thì cũng có một số người không đồng tình

 

Từ ngày 22-6, đơn vị quản lý cầu Long Biên đã lặp đặt hàng rào có kết cấu bằng nhựa, dài khoảng 10m, có cột bằng thép bắt cố định xuống cầu, cấm ô tô và xe ba gác di chuyển.

Anh Lê Đức Lộc, ở Ngọc Lâm, hằng ngày đi làm bằng xe máy qua cầu Long Biên và đối mặt với cảnh ùn tắc cả chiều đi lẫn về. Anh Lộc cho biết, đường dẫn lên cây cầu này đi lại khó khăn hơn từ khi lắp rào chắn chặn xe 3 bánh, buổi sáng ùn hướng sang trung tâm, buổi chiều ùn hướng ngược lại.

Dù vậy, anh vẫn cảm thấy dễ chịu hơn so với việc đi cùng xe 3 bánh: "Lúc nào đông quá thì khoảng 10 phút để đi qua chỗ chắn đấy. Nói chung sáng nào cũng tắc, nhưng chỉ tắc đoạn đi lên thôi, chứ lên cầu lại di chuyển dễ. Ngày xưa có cả xe ba gác thì lên cầu di chuyển chậm. Làm ngắn bớt chỗ chắn đấy lại một chút cũng được, để 2 đường lao vào đấy dễ hơn".

Nhiều người tham gia giao thông cho biết, đường dẫn lên cầu Long Biên đi lại khó khăn hơn từ khi lắp rào chắn chặn xe 3 bánh, buổi sáng ùn hướng sang trung tâm, buổi chiều ùn hướng ngược lại.

Từ sáng 22/6, đơn vị quản lý cầu Long Biên đã lặp đặt hàng rào có kết cấu bằng nhựa, dài khoảng 10m, mỗi đầu hàng rào có cột bằng thép bắt cố định xuống cầu. Đơn vị này cũng đặt biển cảnh báo cầu Long Biên yếu, cấm ô tô và xe ba gác di chuyển lên cầu.

Trước đó, ngày 28/5, mặt cầu Long Biên xuất hiện một lỗ thủng lớn. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân là một xe 3 bánh chở nặng đi qua, thêm vào đó là cầu Long Biên đã xuống cấp, việc sửa chữa, bảo dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh những người ủng hộ lắp rào chắn ngăn xe 3 bánh ở đường dẫn 2 đầu cầu Long Biên thì cũng có một số người không đồng tình.

Bên cạnh những người ủng hộ lắp rào chắn ngăn xe 3 bánh ở đường dẫn 2 đầu cầu Long Biên thì cũng có một số người không đồng tình:

"Chiều nào cũng tắc, vất vả lắm, thấy những người đèo con đi học về cũng khổ. Tối thiểu là 5-6 phút, có những lúc 20 phút luôn. Bỏ đường rào chắn đi mới là đúng, đừng có rào chắn ở giữa đường gây nguy hiểm. Ô tô đi lên thiếu ý thức thì đã có pháp luật, đã có công an".

"Ở dưới này to, trên kia bé, nó tạo thành một cái “phễu”. Còn cái cầu này yếu không phải tại xe 3 bánh, mà yếu do thiếu sự sửa chữa, chăm sóc. Tại sao đoàn tàu mấy trăm tấn chạy được mà bên này anh không sửa cho dân đi?"

Trả lời phóng viên VOV Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết việc lắp rào chắn ngăn xe 3 bánh là cần thiết. Về giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại cầu Long Biên và những cây cầu khác bắc qua sông Hồng, Sở GTVT đã tham mưu cho Thành phố nhiều kế hoạch để triển khai đồng bộ, trong đó có việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các loại hình vận tải hành khách công cộng.

Theo các chuyên gia, việc lắp đặt rào chắn ngăn xe 3 bánh tại cầu Long Biên là cần thiết, khi việc sửa chữa cây cầu này và triển khai xây dựng những cây cầu khác cần nhiều thời gian.

TS. Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Trường đại học GTVT cũng cho rằng, việc lắp đặt rào chắn ngăn xe 3 bánh tại cầu Long Biên là hợp lý và cần thiết, trong bối cảnh việc sửa chữa cây cầu này và triển khai xây dựng những cây cầu khác sẽ cần rất nhiều thời gian.

"Đáng nhẽ ra chỉ cần cắm biển cấm xe 3 bánh là xong, nhưng tinh thần tự giác không cao. Trước khi đến cọc có một đoạn dải phân cách mềm bằng cao su là điều cần thiết cho an toàn, chứ tự nhiên nhô lên một cái cọc sắt thì quá nguy hiểm. Dải phân cách không chiếm bao nhiêu diện tích đường cả, và không gây ảnh hưởng gì nhiều đến khả năng thông xe. Tắc vì đường dẫn lên cầu ở một độ dốc, mà dòng xe lại quá nhiều", TS. Nguyễn Quang Toản cho biết.

Cuối tháng 6/2022, UBND TP. Hà Nội đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ triển khai công tác sửa chữa dự án nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên. Cục Đường sắt cũng đã lên kế hoạch kiểm định cầu Long Biên và lập dự án sửa chữa tổng thể, dự kiến tiến hành vào năm 2023./.